Những ngày qua, thông tin về đề xuất chuyển mục đích sử dụng 174,01ha đất rừng để triển khai Dự án sân golf Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) đã thu hút sự quan tâm của dư luận… Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự cân nhắc đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của dự án này đối với đời sống người dân cũng như những ảnh hưởng đối với môi trường tự nhiên của khu vực.
Cụ thể, theo UBND tỉnh Gia Lai, Dự án sân golf Đắk Đoa đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2009. Khi được xây dựng, đây sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra quỹ đất xanh, các công trình hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.
Trong hơn 174 ha đất thực hiện dự án có 155,93 ha đất có rừng, 18,08 ha chưa có rừng. Tỉnh Gia Lai xác định khi làm sân golf sẽ hạn chế việc chặt hạ cây rừng, ưu tiên di thực cây để bảo vệ cảnh quan môi trường. Số diện tích rừng bị thay thế sẽ được trồng lại rừng ở các vị trí khác trong các năm tiếp theo. Đồng thời, việc chuyển đổi 155,93 ha rừng trồng sang thực hiện dự án sân golf không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của địa phương.
Đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 174 ha đất có rừng để làm sân golf đã khiến người dân và các chuyên gia lo ngại. Nhiều người cho rằng, việc đánh đổi số lượng lớn đất rừng để làm sân golf có thể Gia Lai sẽ phải trả “cái giá” sau này. Trao đổi với báo chí, ông Trần Khắc Tâm, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đánh đổi 155 ha đất có rừng để lấy một sân golf có nên, trong khi đây là những diện tích rừng thông đã được trồng từ nhiều chục năm trước; Việc chặt hạ cây xanh với số lượng lớn nhiều khả năng sẽ tác động không nhỏ đến môi trường, hệ sinh thái rừng…
Anh Chriêng, một người dân sinh sống gần khu vực dự kiến triển khai dự án chia sẻ, có thể dự án sân golf sẽ mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho huyện, cho tỉnh nhưng đổi lại là cả trăm ha rừng ở đây phải nhường chỗ cho sân golf… Cá nhân tôi không ủng hộ việc này bởi rừng thông nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhưng có giá trị lớn trong việc điều hòa khí hậu chung cho cả vùng. Cùng lúc chuyển đổi toàn bộ hơn 150 ha rừng thong thành sân golf chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng lớn đối với môi trường tự nhiên của khu vực.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV khẳng định, việc đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 155 ha rừng thông để làm dự án sân golf Đắk Đoa là không hợp lý và khó chấp nhận được. Rừng hiện nay chúng ta đang rất cần, rừng là lá phổi, đảm bảo môi trường sinh thái, thiên nhiên. Do vậy, vì sao chúng ta lại phải chấp nhận đề xuất chuyển đổi đất rừng để xây dựng sân golf. “Tại sao chúng ta đang bảo vệ rừng mà giờ lại chuyển đổi đất rừng để xây dựng sân golf?”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Tìm hiểu được biết, Dự án sân golf Đắk Đoa với tổng chi phí thực hiện dự án hơn 1.322 tỉ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) với thời hạn thuê đất là 50 năm. Dự án trên nằm một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976, trải dài rộng khoảng 500 ha.
Khách quan nhìn nhận, xu hướng phát triển sân golf với mục đích giải quyết nhu cầu giải trí cho những người có thu nhập cao, người nước ngoài là nhu cầu thực tế hiện nay tại Việt Nam. Các sân golf được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành đã bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, có nhất thiết phải triển khai dự án sân golf mới ở Gia Lai hay không trong khi diện tích đất rừng tại khu vực Tây Nguyên đang bị thu hẹp dần…
Ở góc tiếp cận khác có thể thấy những lo ngại nói trên của người dân và các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở. Thời gian qua, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nghiều người. Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng mới đây các Đại biểu đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, dư luận xã hội, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên…Theo nhiều chuyên gia, việc giữ được 1 ha rừng với cây lớn còn hiệu quả bằng trồng thêm 5-10 ha rừng mới. Và việc phát triển cây xanh ở nước ta trước tiên phải bảo vệ, bảo tồn được rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Được biết ngày 24/12/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 10769/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động của Dự án sân golf Đắk Đoa và báo cáo Thủ tướng.
Như vậy, liên quan đến đề xuất chuyển mục đích sử dụng 174,01ha đất rừng để triển khai Dự án sân golf Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) hiện vẫn còn nhiều ý kiến về các hệ lụy, ảnh hưởng của dự á này. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Gia Lai cần xem xét dự án này một cách thận trọng; cần có những có những phân tích, đánh giá sâu hơn về những tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội. Tỉnh Gia Lai cần tham vấn ý kiến các chuyên gia về ngành bảo tồn rừng, chuyên gia về môi trường… Đây là cơ sở để Gia Lai có quyết định đúng đắn, phù hợp; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên theo hướng phát triển hiệu quả và bền vững.