Mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp khai thác đá trái phép tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà, thế nhưng mỗi ngày trôi qua núi Hòn Chà vẫn bị “chảy máu” tài nguyên khoáng sản.
Nhiều năm nay núi Hòn Chà chưa một ngày được bình yên bởi hoạt động khai thác đá của các đối tượng “đá tặc” núp bóng doanh nghiệp hoặc cá nhân người dân.
Đối tượng “đá tặc” hoạt động khai thác đá trên núi Hòn Chà một cách ngang nhiên, đưa phương tiện xe cơ giới, xe múc, xe đào, máy khoan để tác nghiệp mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khó xử lý vì sự liên thủ có tổ chức trong hoạt động khai thác đá của “đá tặc” rất tinh vi và manh động.
Bất kể thông tin kế hoạch kiểm tra hay nhìn thấy bóng dáng lực lượng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đi kiểm tra từ dưới chân núi Hòn Chà, các đối tượng để lại dung cụ, đồ nghề, máy móc bỏ chảy vào núi hoặc chạy xuống núi bằng đường khác.
Đến khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng leo lên được vị trí hiện trường khai thác đá thì chỉ còn chiếc máy đào bất động nằm trơ trên núi và những hòn đá đang bị đào xới dở dang nằm ngổn ngang. Chiếc mày đào cũng không có người lái đưa xuống núi, đành phải để lại trên núi và chính quyền, cơ quan chức năng chỉ lập biên bản hiện trường mà không thể tịch thu tang vật di chuyển xuống núi Hòn Chà.
Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nay và núi Hòn Chà vẫn tiếp tục bị “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, trong khi đối tượng “đá tặc” không bị bắt để xử lý theo quy định pháp luật, tang vật không bị tịch thu vì không thể di chuyển xuống núi, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, cảnh quan thiên nhiên môi trường trên núi Hòn Chà bị tàn phá, cây xanh trên núi bị chặt phá trơ trụi. “Đá tặc” ngày càng khai thác trên đỉnh núi Hòn Chà, việc “đá tặc” san bằng núi Hòn Chà chỉ còn là vấn đề thời gian.
“Đá tặc” càn quét núi Hòn Chà chỉ có hai đối tượng, một là núp bóng doanh nghiệp và hai là cá nhân người dân với nhiều hình thức như mở đường xây trang trại, trồng cây. Riêng các doanh nghiệp bị thu hồi chủ trương mở rộng mặt bằng có thu hồi đá, không đóng bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cũng như không có bất kỳ văn bản đồng ý chủ trương hay cấp phép khai thác khoáng sản trên núi Hòn Chà của UBND tỉnh Bình Định vẫn ngang nhiên hàng ngày khai thác, vận chuyển đá.
Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Định có văn bản chỉ đạo xử lý đối với “đá tặc” là ông Đinh Quốc Hạnh mở đường làm Khu trang trại nhưng thực chất là vận chuyển, khai thác đá trái phép trên núi Hòn Chà. Đồng thời giao UBND thành phố Quy Nhơn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, truy quét, xử phạt kịp thời theo quy định pháp luật các đối tượng khai thác đá trái phép tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà, khẩn trương xây dựng tường rào ngăn cách giữa KCN Phú Tài với phía Đông núi Hòn Chà.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ định Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng khai thác đá trái phép tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà (phần diện tích ngoài KCN Phú Tài).
Thế nhưng, ngày 29/12, PV Báo TN&MT có mặt tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà vẫn chứng kiến cảnh khai thác đá, cưa xẻ đá và ngang nhiên đưa xe múc lên sườn núi phục vụ hoạt động khai thác đá giữa ban ngày của “đá tặc”. Các đối tượng đã mở một con đường vào khai thác, vận chuyển đá từ phía trước Công ty CP Đá Granite Phú Minh Trọng đi qua phía sau Công ty TNHH Đá Granite Sơn Hà lên núi Hòn Chà để khai thác đá.
Không chỉ các đối tượng cá nhân người dân mà doanh nghiệp bị thu hồi chủ trương mở rộng bằng mặt bằng có thu hồi đá như Công ty TNHH Xuân Nguyên vẫn ngang nhiên khai thác, cưa, xẻ đá vàng trên núi Hòn Chà lâu nay. Phần đất Công ty TNHH Xuân Nguyên giáp với Công ty TNHH XD Phú Thành có con đường đất lên núi Hòn Chà để khai thác, vận chuyển đá.
PV được biết, trong các doanh nghiệp thực hiện chủ trương dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá chỉ còn lại Công ty TNHH Đá Granite Sơn Hà (trước kia là Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phú) bị thu hồi một phần diện tích, phần diện tích còn lại tiếp tục hoạt động tận thu đá và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả những doanh nghiệp còn lại như Công ty CP Đá Granite Phú Minh Trọng, Công ty TNHH XD Phú Thành, Công ty TNHH Xuân Nguyên đều bị thu hồi chủ trương mở rộng mặt bằng có thu hồi đá, tuy nhiên đến nay chủ doanh nghiệp vẫn núp bóng khai thác đá, trục lợi tài nguyên khoáng sản.
Nói về hoạt động khai thác đá trái phép trên núi Hòn Chà, ông Trần Sơn Bình – Phó Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu cho biết: Việc truy quét, bắt quả tang các đối tượng khai thác đá trái phép là rất khó vì chỉ cần nhìn thấy lực lượng chức năng và chính quyền địa phương từ dưới chân núi đi lên là họ đã bỏ chạy. Khi lên đến được hiện trường cũng không có lực lượng chuyên trách, không có người lái xe chuyên dụng máy đào, máy múc đưa xe xuống núi để thu giữ xử lý tang vật. Đứng dưới nhìn lên núi Hòn Chà đều thấy mỗi ngày thêm tan hoang, thấy hoạt động khai thác đá nhưng lên tận nơi để bắt người thì không thể bắt được. Nhưng cũng từ các doanh nghiệp, nếu họ không cho các đối tượng lên thì có đường nào để lên núi khai thác đá. Các đối tượng liên kết với nhau giữa cá nhân và doanh nghiệp nên càng khó truy bắt và xử lý các đối tượng.
Câu chuyện “đá tặc” khai thác đá trái phép phía Đông núi Hòn Chà, không chỉ Báo Tài nguyên và Môi trường mà nhiều cơ quan báo chí khác đã có nhiều loạt bài phản ánh, tuy nhiên tình trạng khai thác đá trái phép trên nùi Hòn Chà vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết.
Trong khi đó, tài nguyên khoáng sản trên núi ngày một cạn kiệt, không cánh mà bay, tiền thuế tài nguyên bị thất thoát, “đá tặc” ung dung hưởng lợi tài nguyên quốc gia. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Bình Định cần có động thái quyết liệt, xử lý triệt để nạn khai thác đá trên núi Hòn Chà để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.