Vừa qua, các nhà khoa học đã công bố khẳng định cá thể rùa ở hồ Đồng Mô là rùa Hoàn Kiếm. Việc phát hiện ra cá thể cái này mở ra hy vọng khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm quý hiếm nhất thế giới trước nguy cơ tuyệt chủng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP/IMC).
PV: Thưa ông, việc phát hiện ra cá thể rùa ở hồ Đồng Mô là hậu duệ của rùa Hoàn Kiếm có ý nghĩa như thế nào đối với khoa học, đa dạng sinh học và văn hóa?
Ông Hoàng Văn Hà:
Sau khi bắt được cá thể rùa tại hồ Đồng Mô trong vị trí lưới quây sẵn, cá thể rùa được kiểm tra sức khỏe, được siêu âm, cấy chip định danh, các loại mẫu đã được thu thập để xác định loài phục vụ cho Kế hoạch bảo tồn trong tương lai. Theo kết quả kiểm tra, cá thể rùa này nặng 86 kg, chiều dài 1 m, rộng mai là 75,5 cm. Qua siêu âm, xác định đây là cá thể rùa cái. Cá thể cái này hoàn toàn khỏe mạnh và đã được thả lại xuống hồ vào cùng ngày. Đến ngày 18/12, kết quả phân tích gen khẳng định cá thể rùa này là rùa Hoàn Kiếm.
Việc xác nhận cá thể rùa ở Đồng Mô là hậu duệ của rùa Hoàn Kiếm có ý nghĩa khoa học và bảo tồn quan trọng bởi số lượng cá thể của loài rùa này hiện còn rất ít. Đặc biệt, cá thể rùa Đồng Mô mới bắt được vào ngày 22/10 vừa qua lại là một cá thể cái, và cho đến thời điểm hiện tại, đây là cá thể cái duy nhất của loài được biết đến trên thế giới. Việc phát hiện ra cá thể cái này mang tới niềm hy vọng rằng rùa Hoàn Kiếm sẽ có thêm một cơ hội để tồn tại. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm tìm được ít nhất một cá thể đực để có thể ghép đôi sinh sản loài rùa quý, hiếm nhất thế giới này.
Rùa Hoàn Kiếm từ lâu gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Việc phát hiện ra hậu duệ của rùa Hoàn Kiếm mở ra cơ hội để giá trị nhân văn trong truyền thuyết hồ Gươm còn tiếp diễn ở hiện tại và tương lai.
PV: Được biết, rùa Hoàn Kiếm là loài rùa độc đáo, có duy nhất tại châu Á. Xác định được những giá trị quan trọng trên, theo ông chúng ta cần có động thái ra sao để bảo tồn loài rùa này trước nguy cơ tuyệt chủng?
Ông Hoàng Văn Hà:
Rùa Hoàn Kiếm chỉ có ở miền Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Đây là loài rùa hết sức quan trọng cho công tác bảo tồn. Do đó, Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã nỗ lực tìm kiếm, phát hiện, và bảo vệ các cá thể còn sót lại ngoài tự nhiên của loài từ những năm 2003 cho tới thời điểm hiện tại.
Loài rùa Hoàn Kiếm hiện đang được bảo vệ bởi pháp luật theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và được liệt kê trong Phụ lục IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP. So với trước đây, luật pháp bảo vệ loài đã được cải thiện rất nhiều. Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tương lai của loài rùa nguy cấp nhất thế giới.
Do đó, bên cạnh việc thực hiện tốt Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội về bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030, Chính phủ cần khẩn cấp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm.
Ngoài ra, cần phát triển sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam, Trung Quốc, và có thể cả Lào trong công tác nhân giống, bảo tồn loài rùa này. Việc cấp bách hiện nay là tiếp tục khảo sát để xác định bất kỳ quần thể nào còn sót lại của loài rùa này ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Cuối cùng, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương gần hồ Đồng Mô và Xuân Khanh về tầm quan trọng của loài rùa mai mềm khổng lồ này cũng như mối quan hệ cùng loài với cá thể rùa có cả giá trị sinh vật học lẫn giá trị văn hoá, tâm linh ở hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội.
PV: Buôn bán động vật quý hiếm nói chung và loài rùa nói riêng đang là thách thức đối với xã hội. Ông đánh giá tình hình buôn bán, tiêu thụ các loại rùa ở Việt Nam như thế nào trong thời gian qua?
Ông Hoàng Văn Hà:
Các loài rùa bản địa của Việt Nam đã bị khai thác, buôn bán quá mức trong ít nhất 3 thập kỷ vừa qua, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu vô cùng lớn của thị trường Trung Quốc. Trong quá khứ, vào những năm 2000 của thế kỷ trước, rất dễ để bắt gặp các lô hàng rùa với số lượng lên tới hàng nghìn con. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng rùa bị tịch thu qua buôn bán đã giảm mạnh. Các cuộc khảo sát phỏng vấn của Chương trình bảo tổn rùa châu Á trên khắp lãnh thổ Việt Nam cho thấy, số lượng rùa bị thợ săn địa phương bắt cũng đã giảm đáng kể. Có thể nhận định rằng quần thể rùa bản địa của Việt Nam ở thời điểm hyện tại đã ở mức rất thấp. Nếu không được bảo vệ tốt, nhiều loài sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai gần.
PV: ATP/IMC có kế hoạch nghiên cứu gì trong tương lai nhằm tìm ra các cá thể rùa tương tự?
Ông Hoàng Văn Hà:
ATP/IMC vẫn sẽ tiếp tục công cuộc tìm kiếm các hậu duệ của rùa Hoàn Kiếm như chúng tôi đã làm trong 17 năm qua. Chúng tôi có một số khu vực tiềm năng có khả năng vẫn còn ghi nhận loài rùa mai mềm quý hiếm này ở miền Bắc Việt Nam. Điển hình như khu vực hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, chúng tôi tin rằng vẫn còn có ít nhất một cá thể của loài này ở mỗi hồ. Chúng tôi hy vọng có thể bẫy bắt và xác định giới tính của các cá thể rùa ở cả hai khu vực này trong mùa xuân tới. Nếu có thể xác nhận thêm một cá thể đực của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này tại hồ Đồng Mô, việc đưa chúng về cùng một khu vực bán hoang dã hoặc nuôi bảo tồn có thể mở ra cơ hội lớn để hồi phục quần thể của loài rùa này ở Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!