Mưa lớn, kéo dài ở miền Trung từ giữa tháng 10 không chỉ gây ra thảm họa kinh hoàng đối với con người, thiệt hại lớn về tại sản mà còn để lại hậu quả nặng nề là bế tắc về sinh kế tại hàng loạt địa phương miền núi, ven biển mà điển hình là xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Nỗi đau khó nguôi
Sáng 27/12, hơn 1 tháng sau trận lở núi khủng kiếp vào chiều 17/10 làm 3 người dân và 1 đại úy công an thiệt mạng, chúng tôi trở lại Hướng Việt.
Từ vị trí km 192 thuộc địa phận Đèo Sa Mù, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) trông xuống, thung lũng Hướng Việt trắng phau một màu bùn, đá. Đất, đá, thân cây lớn phủ lên đất đai, ruộng đồng từ 1 đến 2m sau những ngày trời tạnh ráo đã đặc quánh, khô cong trước mắt chính quyền và gần 350 hộ dân với khoảng 1.600 khẩu xã miền núi vốn dĩ đã vô cùng khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Sinh và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt Lê Văn Dùy bị thương nặng khi đang trên đường đi cứu dân trong trận lở núi chiều 17/10 vẫn còn phải chống nạng, tập đi, chưa thể đến cơ quan làm việc.
Cho tôi xem giấy hẹn tái khám của bệnh viện, Hồ Văn Sinh nói rằng anh sẽ cố gắng để sau Tết Dương lịch đi làm trở lại vì hơn 1 tháng qua, công việc dồn lên vai Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồ Văn Vọng và Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Sau.
Từng lặn lội qua bao nhiêu mùa trăng, mùa rẫy của đồng bào sống trên dãy Trường Sơn nhưng tôi cũng không thể hình dung ra điều gì khiến Chủ tich xã Hồ Văn Sinh bị thương nặng, vùi lấp trong đất đá và thân cây to trốc gốc lăn từ núi cao xuống mà vẫn tồn tại giữa cơn mưa rừng như trút nước suốt một đêm cho đến khi được tìm thấy, khiêng về trạm xá.
Nghiệt ngã hơn, khu vực lở núi chỉ các trung tâm xã chưa đầy 2 cây số đường chim bay nhưng phải 3 ngày sau, thi thể Đại úy công an xã Trương Văn Thắng mới được đưa về trụ sở UBND xã làm lễ truy điệu.
Đất, đá cô lập mọi tuyến đường buộc lực lượng chức năng phải lựa chọn phương án cắt cử hàng chục người thay nhau khiêng Đại úy Thắng vòng qua sườn Tây dãy núi Kò Ka Lóc (thuộc địa phận Lào) về yên nghỉ ở nơi anh từng công tác, gắn bó.
Bế tắc sinh kế
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng nói rằng trận lở núi chiều 17/10 là trận lở núi đầu tiên anh chứng kiến. Già làng Vân Kiều ở các thôn Tà Rùng, Xà Đưng, Trăng, Kà Tiêng của Hướng Việt cũng nói như thế. Mưa dằng dai không dứt làm cho bà con đứng ngồi không yên.
Trong lúc 17 người dân Hướng Việt rủ nhau lên núi thu hoạch vớt vát những bông lúa rẫy chưa bị rơi rụng thì thảm họa ập xuống. Từ khi chấm dứt du canh, du cư, mỗi hộ đồng bào Vân Kiều chỉ giữ lại đám nhỏ lúa rẫy để làm lễ cúng cơm mới với tổ tiên và tập trung cho cây lúa nước. Khi diện tích lúa nước ở Hướng Việt được mở mang thì xảy ra lở núi.
Chưa thể thống kê được có bao nhiêu đất, đá từ đỉnh Kọt Sà Mưi (núi lớn) và Kò Kon (núi nhỏ) ở phía đông con đèo Sa Mù tràn xuống nhưng theo lời của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồ Văn Vọng thì không biết đến khi nào mới có thể giải phóng được lớp đất, đá phủ dày từ 1 mét đến vài mét để người dân có thể trồng lại cây lúa nước, canh tác hoa màu. Máy xúc do tỉnh và huyện điều về, ròng rã cả tuần mới giải phóng được trụ sở UBND xã và trường học để cán bộ đến điều hành công việc, học sinh không bị gián đoạn học hành.
Hồ Văn Vọng nhìn mông lung ra nơi từng là cánh đồng lúa nước, giờ bạc trắng màu đất đá khô cong, nói với chúng tôi rằng ngoài lúa nước, cây sắn, cây khoai, dân Hướng Việt còn có thu nhập khác từ cây bời lời.
Vài năm trước, mỗi kg vỏ cây bời lời bán được từ 21 đến 25.000 đồng, bây giờ chỉ còn 1 đến 2.000 đồng/kg mà chẳng có ai mua. Giao thông, thủy lợi ở Hướng Việt cũng không còn gì cả, ngoại trừ con đường bê tông nối từ vị trí km 188 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) băng ngang qua xã.
Hỏi về chăn nuôi, Hồ Văn Vọng lắc đầu xua tay bảo rằng con gà còn không nuôi nổi, trâu bò lấy chi mà ăn. Bản thân Hồ Văn Vọng cũng lơ lửng khoản nợ ngân hàng vì vay vốn mua bò, dê nhưng đến nay thì rơi vào bế tắc vì cả xã không còn ngọn cỏ.
Ruộng đồng, đất đai không biết bao giờ mới khôi phục được, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo cách chi đây – Bí thư Hướng Việt Hồ Văn Vọng khẽ thở dài. Trước bão lũ, Hướng Việt có 207 hộ nghèo, cận nghèo nhưng đến nay con số này đã tăng lên 284 hộ
Nỗi lo lớn
Cách cột mốc km 188 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) hơn 1 cây số ngôi nhà sàn kiên cố đầu tiên của thôn Xà Đưng nhưng ngôi nhà này đang sắp sập.
Cạnh ngôi nhà chúng tôi gặp người phụ nữ tên Hồ Thị Bòng. Hỏi “nhà mô?”, bà Bòng chỉ tay ra bãi đá trắng phau lăn từ trên núi xuống bảo “đó tề!”. Tôi hỏi người phụ nữ khác tên là Hồ Thị Mùn “nhà mô?” cũng nghe câu trả lời rất gọn “hết trơn rồi!”.
Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hướng việt Hồ Văn Vọng tạm thống kê thôn Xà Đưng có 7 nhà dân bị xóa sổ không còn dấu vết bởi trận lở núi hồi tháng 10, nhà sập thì rất nhiều. Do nằm ngay dưới nơi núi lở nên Xà Đưng là thôn chịu hậu quả nặng nề nhất.
Thiệt hại nặng nề về tài sản và sinh kế nhưng có một điều rất lạ là những người dân ở Hướng Việt mà tôi gặp gỡ đều cười rất tươi. Cũng như các địa phương khó khăn khác sau thiên tai, bão lũ, ngày nào cũng có đoàn cứu trợ, từ thiện từ các nơi tìm về Hướng Việt. Những hộ có nhà bị trôi, bị sập hoặc sắp sập ở Hướng Việt đều có địa chỉ hảo tâm giúp dựng lại nhà.
Sau bão lũ, người dân Hướng Việt không lo thiếu về lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày nhưng có mối lo lớn hơn đang hiện hữu, đó là tệ nạn len lỏi vào đời sống của đồng bào.
Một cán bộ công an làm công tác phong trào của tỉnh Quảng Trị chia sẻ với chúng tôi về việc người dân miền núi ở các xã khó khăn sau thiên tai bão lũ, nhận được khoản tiền lớn từ vài triệu đến vài chục triệu nhà tài trợ sẽ lúng túng trong chi tiêu và đây chính là cơ hội phát sinh tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè và nguy hiểm hơn là ma túy.