Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm chặt đào rừng, nhiều địa phương ở Tây Bắc đã tăng cường giám sát và khuyến cáo người dân thực hiện đúng chỉ đạo.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Ngày 27.12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm chặt đào rừng để chơi tết, hiện chưa vào dịp tết nên Sở đã giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản giao cho các ban, ngành liên quan cũng như các huyện để kiểm tra, giám sát, đồng thời khuyến cáo đến với người dân thực hiện đúng chỉ đạo. Hơn nữa trên địa bàn tỉnh không còn đào rừng mà chỉ có đào người dân trồng và chăm sóc nên tỉnh cũng chưa có văn bản cụ thể nào.
Còn ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, cho biết: “Trước chỉ đạo của Thủ tướng, trong tuần tới tỉnh Sơn La tổ chức Tổng kết năm nông nghiệp toàn diện, trong đó sẽ có nội dung, văn bản thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm chặt và kinh doanh đào rừng trong dịp tết”.
Trước vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Nho Số, người dân xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho hay: “Mọi năm cứ vào trung tuần tháng 11 âm lịch, người dân thuộc các xã trên địa bàn huyện Vân Hồ chở những cành đào, gốc đào ra để bán, nhất là trên Ql6 đoạn qua huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La). Đa phần những cành đào bà con đem bán là những cây đào người dân trồng và chăm sóc, những cành già được tỉa đem đi bán còn những cành non để lại cho ra hoa để tiếp tục bán quả”.
“Theo cá nhân tôi cũng tán thành với lệnh cấm của Thủ tướng và sẵn sàng chuyển nghề khác khác vì buôn bán đào cảnh cũng chỉ là chốc lát, nhất thời, không phải là nghề chính nuôi sống bản thân và gia đình. Cũng mong Chính phủ sớm có quy định, tiêu chí cụ thể để đánh giá đâu là đào rừng với đào vườn; đồng thời giúp người dân vùng cao trồng đào vẫn có thể bán cành cho người chơi đào dưới miền xuôi, tăng thêm thu nhập”, ông Số nói.
Cùng chung quan điểm, anh Tráng A Chu, người dân xã Vân Hồ cho biết: “Những cành đào, gốc đào mà bà con dân bản chở đi bán không phải là đào rừng mà là đào được người dân trồng, chăm sóc. Hơn nữa, đặc thù thời tiết ở đây là không khí lạnh, độ ẩm cao cộng với những cây được trồng từ lâu năm, bề ngoài có rêu mốc bám kín trên thân cây, người nhìn có cảm giác cổ kính thì nghĩ đó là đào rừng”.