Quốc hội Nhật Bản mới đây đã thông qua đạo luật Cấm nhập khẩu hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Đạo luật mới này yêu cầu thu thập các hồ sơ về đánh bắt và vận chuyển để nộp lên cơ quan Chính phủ nhằm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản. Đối với hải sản nhập khẩu, phải có giấy chứng nhận khai thác hợp pháp từ Chính phủ nước ngoài.
Luật mới này có tên gọi là Đạo luật thương mại nội địa các động vật và thực vật biển. Mặc dù đã được thông qua, nhưng Đạo luật này còn phải trải qua nhiều lần lấy ý kiến góp ý bổ sung của các lãnh đạo trong vòng hai năm tới. Ngoài ra, một số điểm trong đạo luật vẫn còn đang được xem xét, như: Việc lựa chọn các loài quy định dựa trên tiêu chí công bằng, rõ ràng, giảm bớt khối lượng công việc của người điều hành, tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thông qua điện tử hóa dữ liệu và hợp tác với các quốc gia về khả năng chứng nhận của quốc gia.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, đã nhận được ý kiến đóng góp của các tổ chức phi chí phủ hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy nghề cá phát triển bền vững về các vấn đề IUU thông qua diễn đàn chống khai thác IUU của Nhật Bản.
Sau khi đạo luật được thông qua, nhóm đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ động thái này của Chính phủ Nhật Bản, và cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp giúp cho đạo luật của Nhật Bản phù hợp với quy định của Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang năm thứ 3 kể từ khi bị EC “áp” thẻ vàng IUU về khai thác hải sản có trách nhiệm, cấm đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá nhằm thực thi các khuyến nghị của EC về khai thác nguồn lợi hải sản một cách bền vững. Nhiều địa phương, số lượng tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt tỷ lệ cao, trên 90%. Theo khuyến nghị của Vasep, tất cả các tàu cá phải nhất định tuân thủ việc giám sát hành trình và chấm dứt vi phạm vùng khai thác.