Dự kiến đến năm 2022, khi toàn bộ các tiểu dự án thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD- ICRSL) hoàn thành, khu vực này sẽ được tăng cường một cách đáng kể về khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra phức tạp.
Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD- ICRSL) bao gồm: 5 hợp phần với 16 tiểu dự án, trong đó, có 6 tiểu dự án về nâng cao khả năng quan trắc, dự báo, phân tích cơ sở dữ liệu và 10 tiểu dự án tập trung cho việc đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế cho các vùng được lựa chọn. Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022.
Theo đó, dự án MD-ICRSL sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu tăng cường các công cụ lập quy hoạch/kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước. Đồng thời, tạo ra sự ổn định sinh kế cho người dân và thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) để giám sát, vận hành hỗ trợ ra quyết định thông qua 4 hợp phần của dự án.
Hợp phần 1 là những hoạt động đầu tư tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu.
Hợp phần 2 sẽ giải quyết vấn đề điều tiết nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long.
Hợp phần 3 gồm các hoạt động giải quyết các thách thức liên quan đến xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, nuôi trồng thủy sản bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân sống tại vùng ven biển.
Hợp phần 4 là các hoạt động phòng chống xói lở bờ biển, quản lý nước ngầm, cung cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân sống ở khu vực ven biển. Cuối cùng là hợp phần 5 với các hoạt động hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.
Với các hoạt động công trình và phi công trình được thiết kế linh hoạt, hướng tiếp cận từ tổng thể đến chi tiết dành cho 9/13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, dự án dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai.
Tổng diện tích dự kiến sẽ tác động trực tiếp đến là 1,183 triệu héc ta với tổng dân số khoảng 3,95 triệu người thuộc địa bàn của 26 huyện, tác động gián tiếp lên 4 vùng (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và vùng cửa sông ven biển) với tổng diện tích 1,501 triệu héc ta với dân số khoảng 4,97 triệu người.
Về mặt hạ tầng, dự án sẽ nâng cấp với tổng số 470 km bờ bao và xây dựng 192 cống các loại nhằm đảm bảo ổn định sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ 27 km bờ biển, đồng thời rà soát và nâng cấp đai rừng ngập mặn ven biển với tổng chiều dài 50 km.
Xây dựng một trạm trung tâm thu nhận số liệu từ các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước, mực nước và độ mặn cho 20 trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu liên tục và cập nhật về các đặc trưng, diễn biến tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn nhiều các công trình hạ tầng khác như xây dựng giếng quan trắc, hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển…
Đối với vấn đề kiểm soát lũ, dự án ICRSL đã xây dựng kế hoạch tạo các hành lang thoát lũ, nâng cấp đê bao lửng vốn thường xuyên bị phá vỡ do lũ gây ra và xây dựng các cầu cạn. Khi thực hiện tốt các vấn đề về hạ tầng sẽ giảm được sự xói lở đê bao, chủ động được việc thích ứng với lũ nhỏ và lũ lớn để người dân của 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang có thể gia tăng sản xuất trong mùa lũ.
Tại các vùng cửa sông với hạ tầng còn thiếu sự đầu tư, sự giảm sút lượng nước trong mùa khô, mực nước biển dâng cộng với việc tàn phá rừng ngập mặn, ô nhiễm môi trường khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết các thách thức liên quan đến xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, dự án đã có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng hộ ven biển và nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp dọc theo vùng ven biển.
Ngoài những đầu tư, nâng cấp hạ tầng, dự án ICRSL còn rất tập trung đến các hoạt động phát triển sinh kế bền vững cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sẽ tiến hành hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật, hạ tầng để chuyển đổi sản xuất cho tổng số 47.914 ha, tiến hành hướng dẫn và đào tạo 40.830 người dân có kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững.
Từ các mô hình sinh kế đa dạng được thiết kế phù hợp với từng vùng, cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp của dự án khi thành công sẽ là cơ sở để thúc đẩy người dân tại các vùng dự án thay đổi thói quen sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.
Dự kiến tổng diện tích chuyển đổi sinh kế theo các mô hình của dự án sẽ là 200.000 ha. Dự án cũng bố trí thành các vùng chuyển đổi để khai thác tốt đới bờ ven biển nhằm đem lại kết quả đột phá ở vùng cửa sông về mặt sản xuất và tận dụng nguồn lợi từ nguồn nước mặn và ngọt.
Hầu hết các tiểu dự án đều có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hạ tầng cho các hạng mục sinh kế. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, trang bị kiến thức và hỗ trợ các hạng mục cơ bản để người dân có thể tăng cường năng lực sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định và thích nghi với biến đổi khí hậu cao.
Bên cạnh đó, dự án ICRSL cũng có những giải pháp, chính sách bồi thường về tài sản cụ thể hoặc tái định cư cho tất cả những người được xác định trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án, cũng như có những biện pháp giúp những người này giải quyết việc làm, đào tạo nghề, khôi phục đủ để cải thiện hoặc ít nhất duy trì mức sống, khả năng thu nhập và sản xuất như trước khi có dự án.