Lâm Đồng: Tội phạm phá rừng hoạt động theo kiểu “công nghệ” mới

Một vụ phá rừng theo kiểu “công nghệ” mới – dùng nhiều máy múc, máy cày, xe tời gắn cáp để kéo cây đổ, dùng máy cưa pin để cắt hạ cây không gây tiếng ồn, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Khu vực xảy ra vụ việc trên ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trong các ngày 19-20/12/2020. Đây là điểm “nóng” trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các đối tượng “lâm tặc” thường xuyên đe dọa, dùng dao chém lực lượng giữ rừng, khiến hai người bị  thương.
Tại hiện trường, hàng chục cây thông 18 năm tuổi bị bật gốc, nằm trơ trọi trên mặt đất, nhựa vẫn còn ứa ra, lá thông còn nguyên màu xanh. Khu vực bị phá tại lô b4, khoảnh 05, tiểu khu 274A thuộc địa giới hành chính xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Đây là rừng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng Chi nhánh Lâm Hà trồng và quản lý bảo vệ).

Theo lãnh đạo Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng, tối 19/12, qua tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị đã phát hiện đồng thời báo cáo Công an huyện Lâm Hà, UBND xã Gia Lâm hỗ trợ lực lượng tiếp cận hiện trường.

Nhờ phát hiện sớm, đơn vị đã ngăn chặn kịp thời vụ phá rừng, tuy nhiên các đối nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Công an huyện Lâm Hà đã thu giữ nhiều tang vật phục vụ công tác điều tra như máy cày, máy cưa dùng pin, cưa tay và xe độ có gắn tời để kéo cây…
Theo ông Thủy Ngọc Phúc, Giám đốc Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng, qua quá trình theo dõi, mật phục, cập nhật thông tin các vụ phá rừng tại vị trí này, hiện đơn vị đã xác định đối tượng là các con nghiện tình nghi thường trú tại thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà. Đợn vị đã nhiều lần trình báo với cơ quan Công an huyện.
Được biết, tiểu khu này liên tiếp bị các đối tượng “lâm tặc” nhiều xâm hại với mục đích lấn chiếm đất rừng thành đất sản xuất. Lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà đã mật phục, phát hiện đối tượng nhưng vẫn không bắt giữ được và không thu giữ tang vật, phương tiện phá rừng.

Hàng chục cây thông 18 năm tuổi bị bật gốc. Ảnh: TTXVN

Cụ thể tại khu vực này từ năm 2018 đến nay đã xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Ngày 18/4/2019 đối tượng dùng cưa tay cắt hạ trên 150 cây, diện tích bị phá trên 5.400 m2.

Đến năm 2020, tại vị trí này Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà (thuộc Công ty Nguyên liệu giấy Lâm Đồng) đã trồng lại rừng 2.600 m2 loài cây trồng thông 3 lá. Nhưng đến ngày 12/12/2020, lực lượng quản lý bảo vệ rừng tuần tra lại phát hiện rừng bị phá gần 1.000 m2. Các đối tượng dùng máy múc, cuốc lật và xô cây ngã đổ, lấp cây đồng thời kéo gom xuống mương cạnh đó.

Trước đó, TTXVN đã phản ánh vụ việc một đối tượng lấn chiếm đất rừng dùng dao chém vào đầu và cổ 2 cán bộ quản lý bảo vệ rừng đang làm nhiệm vụ vào sáng 21/8/2018 tại tiểu khu 274A, khoảnh 5, lô B3, thuộc xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà.

Cụ thể, 4 cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ rừng, thuộc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng cùng Công an xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà tiến hành giải tỏa khu đất 1.400m2 bị gia đình ông Nguyễn Đức Tài, thôn 3, lấn chiếm để trồng cà phê.

Trong khi tiến hành giải tỏa khu đất bị lấn chiếm, gia đình ông Tài bất hợp tác, dùng lời lẽ khiếm nhã, chửi bới đoàn giải tỏa. Sau đó, đối tượng Nguyễn Đức Long là con trai ông Tài chặn xe ôtô, dùng dao chém vào vùng đầu và cổ hai cán bộ bảo vệ rừng khiến nạn nhân bất tỉnh tại chỗ.

Ngoài ra, cũng tại tiểu khu 247, xã Gia Lâm, tình trạng san ủi đất rừng trái phép cũng đã xảy ra. Trong các ngày 19 và 20/12, hai máy múc vẫn ngang nhiên hoạt động san ủi trái phép. Những hành vi ngang nhiên coi thường pháp luật của các đối tượng “lâm tặc” cần được xử lý dứt điểm. Hiện cơ quan chức năng huyện Lâm Hà đang củng cố hồ sơ, điều tra xử lý vụ việc.