Ngày 23/12, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát triển hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam cùng các đối tác thực hiện.
Giám đốc PanNature Trịnh Lê Nguyên cho biết trong bối cảnh Luật Lâm nghiệp đang được triển khai, chiến lược phát triển ngành Lâm nghiệp và nhiều chính sách về rừng đang được xây dựng, vấn đề bảo tồn, phát triển, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên cần thiết phải được ưu tiên ở mức độ cao nhất để đáp ứng cam kết của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Việt Nam cần có các chính sách đảm bảo cho việc bảo tồn được diện tích rừng tự nhiên hiện hữu, đặc biệt trong hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Do vậy, mục tiêu của hội thảo này nhằm thảo luận, đề xuất các chính sách đảm bảo mục tiêu bảo tồn, phát triển và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên ở Việt Nam, bao gồm hoàn thiện hệ thống quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình rừng mới (rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước cộng đồng, vườn thực vật quốc gia…) trong quy định của Luật Lâm nghiệp.
Hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận. Phiên 1: Tầm nhìn và can thiệp chính sách bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên (gồm chính sách quản lý và đầu tư phát triển rừng tự nhiên trong hệ thống khu bảo vệ; đa dạng hóa hình thức quản lý cho khu rừng đặc dụng, phòng hộ mới). Phiên 2: Đa dạng hóa nguồn lực trong bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên (gồm đa dạng hóa nguồn lực cho bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phục hồi rừng tự nhiên: khoa học, chính sách và thách thức từ thực tế triển khai).
Theo ông Hứa Đức Nhị (Hội Chủ rừng Việt Nam), rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao, vì vậy luôn là đối tượng bảo tồn. Bên cạnh đó, rừng còn có vai trò phòng hộ lớn, đó là các giá trị điều tiết nước, hấp thụ các bon hay giá trị cảnh quan… Rừng luôn gắn với đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi, với các chủ rừng. Tuy vậy, hiện tại, đời sống bà con miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tụt hậu nhiều hơn so với miền xuôi và thành phố, nguy cơ mất rừng vẫn còn tiềm tàng. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần đưa ra các định hướng, giải pháp để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân vốn sống phụ thuộc từ rừng; đồng thời phải có các giải pháp phát triển để người dân miền núi ít phụ thuộc hơn vào rừng và đất rừng…
Đánh giá chính sách đầu tư tài chính cho rừng đặc dụng ở Việt Nam, đại diện Tổ chức GIZ tại Việt Nam cho rằng, việc phát triển rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng bền vững và chính sách hướng đến quản lý rừng bền vững tổng hợp. Trên thực tế, nhiều Ban Quản lý rừng đặc dụng vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách (phần lớn là ngân sách địa phương), do không có khả năng tự chủ tài chính vì không có lợi thế tạo nguồn thu ngoài ngân sách; không cân đối được ngân sách, do vậy, mức độ ưu tiên đầu tư cho phát triển rừng còn thấp đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
Hơn nữa, tổ chức bộ máy quản lý, chức năng quyền hạn có sự chồng chéo giữa Ban Quản lý rừng đặc dụng, lực lượng Kiểm lâm; nhiều chính sách chưa phù hợp như định mức suất đầu tư, cơ chế cho thuê rừng, hướng dẫn tài chính từ chi trả dịch vụ môi trường rừng… đã ảnh hưởng đến sự thu hút đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế chính sách riêng đối với rừng đặc dụng như: tạo nguồn thu cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ; đầu tư cho khoán bảo vệ rừng; cho người lao động tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ; đầu tư phát triển vùng đệm…
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi rừng tự nhiên, khuyến nghị về chính sách nhằm đa dạng hóa, đảm bảo nguồn đầu tư bền vững cho hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại Việt Nam.