Còn một số dự án thủy điện chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt (như thủy điện Bản Hồ-Lào Cai).
Với việc đóng góp ngân sách hàng năm cho tỉnh khoảng 800 tỷ đồng (khoảng 830 triệu đồng/1MW) và tạo việc làm cho 25-30 người/01 dự án, trong đó có khoảng 40% là người lao động địa phương. Thủy điện ở Lào Cai đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, những hệ lụy do thủy điện gây ra là nỗi ám ảnh cho các dòng sông và người dân sống xung quanh.
Liên tiếp phê duyệt dự án quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ
Năm 2004, Sở Công nghiệp chủ đầu tư lập dự án Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai. Bộ Công nghiệp phê duyệt tại Quyết định số 526/QĐ-NLDK ngày 02/02/2005. Tính vào năm 2004, số công trình quy hoạch tại tỉnh Lào Cai là 75 công trình, tổng công suất: 1.132 MW.
Tới năm 2008, Sở Công nghiệp lập dự án Quy hoạch bổ sung thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai xin thỏa thuận Bộ Công Thương. UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 03/01/2008. Số công trình quy hoạch đã là 99 công trình với tổng công suất 1.363 MW.
Nhắc tới câu chuyện quy hoạch thủy điện ở Lào Cai, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) – Ông Đặng Ngọc Vinh trong khuôn khổ buổi tọa đàm “ Tài nguyên nước và sông ngòi trong phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam” đã có phân tích rất rõ về tình trạng quy hoạch thủy điện tại Lào Cai.
Ông Đặng Ngọc Vinh cho biết: “Không ít những thủy điện tại tỉnh Lào Cai khi được xây dựng không có hồ sơ đất và cấp phép xây dựng (thủy điện Tả Thàng – Sa Pa – Lào Cai). Nhiều nhà máy đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp mà chưa được chính quyền địa phương cho phép như công trình thủy điện Pờ Hồ-Lào Cai). Thậm chí, một số công trình thủy điện không xác định rõ ranh giới đất của dự án thủy điện với đất của các hộ dân (như thủy điện Bản Hồ – Sa Pa).
Còn một số dự án thủy điện chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt (như thủy điện Bản Hồ-Lào Cai). Bất cập đó thể hiện ở Thủy điện Ngòi Phát, Séo Chong Hô điều chỉnh nâng công suất, bố trí khu tái định cư không canh tác được, Thủy điện Vĩnh Hà phát sinh bất cập khi tích nước long hồ và một số công trình thủy điện nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên”.
Những dự án thủy điện này triển khai khi không có sự tham gia kiểm tra, giám sát ngay từ đầu của chính quyền địa phương. Thủy điện Sử Pán 1 tự ý điều chỉnh quy hoạch, di chuyển lòng hồ đến sát bãi đá cổ Sa Pa là di tích cấp Quốc gia. Phá vỡ cảnh quan môi trường ngành du lịch bị thất thu, đặc biệt du lịch Homestay giảm lượng khách do môi trường cảnh quan bị hủy hoại.
Tính tới nay, huyện Văn Bàn đã quy hoạch thủy điện 32 dự án trong đó có 16 hoàn thành. Huyện Sa Pa quy hoạch thủy điện 23 dự án và trong đó có 7 dự án hoàn thành. Trên một đoạn ngòi Bo suối Mường Hoa đã xây dựng 05 công trình thủy điện Sử Pán 1, 2 ; Nậm Toóng; Séo Chong Hô và Bản Hô hay trên 01 xã Tân Tiến đã xây dựng 03 công trình thủy điện. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ có 62 nhà máy hoạt động (52 cũ và 14 mới).
Hậu quả của nó khiến người dân vô cùng bức xúc vì đã phá vỡ cảnh quan môi trường, gây lũ lụt cho khu vực hạ du, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của người dân. Ông Đặng Ngọc Vinh cho biết thêm.
Quản lý vận hành bộc lộ nhiều hạn chế
Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại Lào Cai theo ông Đặng Ngọc Vinh cho biết là đã có tham vấn các Sở, huyện và xã ngay trước bước bổ sung Quy hoạch và nghiên cứu đầu tư, tuy nhiên việc tham vấn chỉ lấy ý kiến góp ý không góp ý đầu tư.
Trong khâu quản lý vận hành đã bộc lộ những hạn chế như chưa có quy trình vận hành liên hồ, cụ thể như thủy điện Sử Pán 1, Sử Pán 2 và Nậm Toong,…hậu quả rõ nhất là vào năm 2019, khi có lũ lớn thủy điện Sử Pán 1 xả lũ đã gây lũ chồng lũ làm ngập lụt vùng hạ lưu.
Đối với các công trình thủy điện bậc thang, mỗi công trình là một chủ đầu tư vì vậy việc phối hợp vận hành chưa khoa học, chưa có hệ thống giám sát và quan trắc dòng chảy tối thiểu hạ du các công trình thủy điện.
Khi xây dựng các công trình thủy điện, bùn cát thô lắng lại trong các hồ chứa, đập chắn, lượng bùn cát xả về hạ du giảm gây xói lở nghiêm trọng hạ lưu, dòng chảy kém dinh dưỡng và luôn đục. Điều này đã làm mất cảnh quan tự nhiên của sông suối. Nhiều đoạn suối bị thay đổi hướng dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại của dân. Nhiều công trình thủy điện khi vận hành xả nước gây cát bồi cho hệ thống thủy lợi, phá hệ thống kênh (kênh Nậm Mạ – Lào Cai), kênh tưới cánh đồng Văn Sơn (100ha), Mõ Lao (500ha).
Buông lỏng quản lý đối với dự án thủy điện
Nhìn lại trách nhiệm quản lý của địa phương các cấp khi để trên một lưu vực sông có nhiều công trình thủy điện, đặc biệt là chưa có quy hoạch chi tiết, trách nhiệm quản lý vẫn còn buông lỏng nên để xảy ra tình trạng công trình chưa được cấp phép xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng.
Khi nhìn lại những hạn chế đang tồn tại tại các dự án thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai, Giám đốc TT CEWAREC tỏ ra lo ngại, ông đã có những kiến nghị:
“Theo tôi, cần rà soát lại 20 dự án đang khảo sát trình chủ trương đầu tư xây dựng và nếu dự án nào có tác động xấu đến môi trường cần loại ra khỏi quy hoạch. Xây dựng hệ thống giám sát dòng chảy tối thiểu tại một số sông suối trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra cần xây dựng chính sách huy động vốn từ người dân đầu tư xây dựng công trình thủy điện nhằm gắn lợi ích của doanh nghiệp với người dân nhằm phát triển bền vững. Còn đối với các công trình thủy điện nằm trong du lịch hoặc liên quan di sản văn hóa, cần có chính sách phù hợp để khai thác tổng hợp lợi ích giữa thủy điện và du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường”.