Trách nhiệm của Cục Điều tiết điện lực trong quản lý thủy điện

Nhiệm kì trước cả nước đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện. Nhiệm kì này, chỉ riêng tỉnh Lai Châu đã có 137 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch…

Quy hoạch cấp phép thủy điện tràn lan

Năm 2013, nghị quyết 62 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện nhỏ. Nhưng đến nay, các thủy điện nhỏ được xây dựng vẫn có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Nam.

Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. Chỉ cần nhà đầu tư thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động bổ sung dự án vào quy hoạch.

Chỉ riêng tỉnh Lai Châu đã có tới 137 thủy điện được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và hiện đã có 95 dự án được tỉnh Lai Châu cấp Chủ trương đầu tư. Thử hỏi với 137 dự án thủy điện thì tỉnh Lai Châu sẽ phải  chặn bao nhiêu con suối, làm ngập mất bao nhiêu ha rừng đầu nguồn, cắt chân bao nhiêu dãy núi để làm đường tới thủy điện?…

Trên thực tế, Lai Châu cũng như các địa phương khác khi phê duyệt dự án thủy điện đều đặt nặng mục đích kinh tế như cấp điện sinh hoạt cho dân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng là người hưởng lợi ích kinh tế từ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất là nhà đầu tư tư nhân nhưng thiệt hại nhiều nhất từ thiên tai, từ xả lũ của thủy điện nhỏ là dân vùng hạ du.

Quy hoạch thủy điện tràn lan là một nguyên nhân quan trọng gây ra lũ lụt, sạt lở đất

Sự cố mưa lũ lớn tại miền Trung những ngày qua cho thấy các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không thực hiện được chức năng thoát lũ, cắt lũ. Dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao, tức tích nước phát điện. Trong khi lũ về, chúng thường xả thẳng xuống hạ du.

Việc phát triển hệ thống thủy điện nhỏ phải hết sức thận trọng, không vì lợi ích nhỏ mà tàn phá môi trường trên diện tích lớn. Khi xây dựng các thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa buộc các chủ đầu tư phải cắt chân các dãy núi để làm đường tới công trình, nên nguy cơ sạt lở núi rất lớn.

Vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ và quy định chỉ được xây dựng thủy điện nhỏ tại khu vực nào, không thể chỗ nào có tiềm năng là đặt nhà máy. Và chỉ nên phát triển thủy điện nhỏ ở những sông suối nhỏ, không phải làm đập cao, ít tác động đến môi trường.

Cần xem xét trách nhiệm của Cục điều tiết Điện lực

Ngoài ra, từ sự cố thủy điện Rào Trăng 3 và từ những vi phạm tại thủy điện Tả Thàng, Lào Cai cần xem lại chất lượng xây dựng, kết cấu các thủy điện nhỏ, chất lượng kè hai bên đập của các nhà máy thủy điện nhỏ. Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ do tư nhân làm có chất lượng kém, không đảm bảo an toàn công trình, có nguy cơ vỡ đập khi lũ lớn. Cần quy trách nhiệm cho người cấp phép, người có trách nhiệm giám sát chất lượng, nghiệm thu kỹ thuật công trình thủy điện nhỏ để xảy ra sự cố tại các địa phương.

Nhà máy thủy điện Tả Thàng có công suất 60 MW  nằm tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; riêng phần hồ chứa thuộc địa phận xã Suối Thầu, huyện Sa Pa.

Đây là nhà máy thủy điện được coi là nhiều “tai tiếng” ở địa bàn tỉnh Lào Cai, bởi chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Tả Thàng được xây dựng khi không có hồ sơ xin cấp phép xây dựng gửi cơ quan chức năng, không có giấy phép xây dựng, vi phạm khoản 2, Điều 10, Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thuộc trường hợp các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.

Thủy điện Tả Thàng được Cục Điều tiết Điện lực cấp phép hoạt động khi chưa có Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn

Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, công trình Nhà máy thủy điện Tả Thàng thuộc nhóm công trình phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận phù hợp về chất lượng để bảo đảm an toàn, nhưng qua thanh tra cho thấy, Nhà máy thủy điện Tả Thàng không có giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng theo quy định.

Vấn đề nổi cộm ở đây là, một công trình  thủy điện lớn không có giấy phép xây dựng, không được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn nhưng vẫn được Cục điều tiết Điện lực Bộ Công thương cấp phép hoạt động điện lực. Nhờ có Giấy phép hoạt động điện lực do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cấp, chủ đầu tư có thể bán điện lên lưới điện quốc gia cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và thu tiền nên cố tình  vi phạm.

Nếu Cục Điều tiết điện lực thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kiên quyết không cấp giấy phép hoạt động điện lực cho những thủy điện có vi phạm, chưa đảm bảo an toàn thì chắc chắn các chủ đầu tư sẽ phải thực hiện nghiêm túc và sẽ khó để xẩy ra sự cố tại các thủy điện như Rào trăng 3, thủy điện IaKrel 2…