Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh rộng hơn 76.660 ha được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định chuyển thành vườn quốc gia, hôm 18/12.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động. Bộ máy tổ chức hoạt động kế thừa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh.
Việc thành lập vườn quốc gia nhằm bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung – Trường Sơn. Vườn có chức năng bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch.
Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào, vườn quốc gia sông Thanh có diện tích vùng lõi hơn 93.000 ha và trên 108.000 ha vùng đệm. Nơi đây có hệ sinh thái rừng vô cùng đa đạng với 831 loài thực vật bậc cao, trong số đó có 23 loài hữu dụng và 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư…
Tuy nhiên, vùng lõi vườn quốc gia sông Thanh luôn là “điểm nóng” dai dẳng của tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép. Chính vì thế tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều quyết sách tập trung bảo tồn khu rừng sông Thanh.
Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, hồi tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh vừa ra mắt các tổ bảo vệ rừng chuyên trách, thay cho hình thức giao cho cộng đồng làng quản lý như trước đây. Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra bảo vệ rừng, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật khác về lâm nghiệp; thực hiện các phương án, biện pháp PCCC rừng, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân các địa phương tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Quảng Nam cũng kỳ vọng sẽ phát triển kết nối nơi đây thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng. Cùng với các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, giá trị tài nguyên thiên nhiên của vùng đất này góp phần làm giàu đa dạng sinh học, phong phú về giá trị văn hóa.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng cường công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, chú trọng gắn công tác bảo vệ với phát triển miền núi, nâng cao đời sống người dân sống trong và ven rừng.