Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đảo nhưng đến nay việc khai thác vẫn còn manh mún, thiếu quy hoạch, chưa phát triển xứng tầm với những tiềm năng vốn có. Khẳng định phát triển du lịch tại các đảo ven bờ phù hợp với quan điểm chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển và làm giàu từ biển, du lịch đảo cũng là sản phẩm có thể khẳng định thương hiệu Du lịch Việt Nam trên thế giới, từ số này Văn Hóa sẽ có loạt bài nhằm làm rõ thực trạng, cơ hội và thách thức, những giải pháp để phát triển du lịch đảo ở vùng biển ven bờ Việt Nam.
Mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ
Nhìn chung, tài nguyên biển đảo của Việt Nam rất thuận lợi để phát triển du lịch nhưng mới được chỉ khai thác một phần rất nhỏ. Việt Nam có chỉ số biển cao gấp 6 lần trung bình toàn cầu nên biển có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cũng như du lịch. Vị thế của hệ thống hải đảo và đảo ven bờ đã khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và lãnh hải nước ta. Tài nguyên du lịch tự nhiên thể hiện rõ ở hơn 100 bãi biển tuyệt đẹp khắp từ Bắc tới Nam: Cô Tô – Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồ Sơn – Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Non Nước – Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận), Chí Linh – Hồ Cốc – Hồ Tràm – Đầm Trầu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Bãi Dài – Dương Đông – Bãi Khem (Kiên Giang)… Bên cạnh đó, hệ thống 43 vườn quốc gia, 16 khu bảo tồn biển và hệ sinh thái biển cùng hệ thống các vụng, vịnh, đồi núi trên đảo, các hang động, miệng núi lửa đã tạo nên cảnh quan, giá trị vô cùng độc đáo để phát triển du lịch đảo. Người dân trên các đảo thật thà, mến khách, cuộc sống dung dị, giản đơn là những nét đẹp thu hút khách.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương: “Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển du lịch biển, trong đó nhiều địa điểm được các hãng thông tấn, trang web du lịch uy tín trên thế giới bình chọn trong danh sách những bãi biển, vịnh biển, hòn đảo đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Du lịch biển nhiều năm qua luôn là thế mạnh của Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay việc phát huy giá trị tài nguyên biển chỉ dừng ở việc khai thác bãi biển ven bờ trong khi Việt Nam còn sở hữu hệ thống các đảo có tiềm năng nhưng chưa được khai thác”.
Trong hội thảo “Thực trạng và đề xuất phát triển du lịch tại các đảo ở vùng ven biển Việt Nam” do Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức mới đây, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Phát triển du lịch tại các đảo vùng ven biển Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số đảo đã phát triển như Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… thì rất nhiều đảo hiện nay điều kiện về cơ sở hạ tầng còn hạn chế, giao thông, điện, nước, viễn thông… khó khăn hơn nhiều so với trên bờ; nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chưa có sự đầu tư để tái tạo, phát triển các nguồn tài nguyên. Việc thiếu chính sách chung về phát triển du lịch đảo khiến tình trạng đầu tư du lịch đảo tự phát, không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, việc quản lý chồng chéo giữa các ngành đã gây trở ngại không nhỏ cho việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch đảo”
Theo thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến các đảo Việt Nam giai đoạn 2015- 2019 có tốc độ tăng trưởng 23%. Trong đó, năm 2019 có hơn 1,5 triệu khách ra các đảo, chủ yếu đến Cát Bà, Phú Quốc, một số ít đến Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Vân Đồn. Biển miền Bắc chủ yếu thu hút khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Đức, Hà Lan. Trong khi đó khu vực miền Trung được khách châu Âu, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Biển miền Nam phục vụ chủ yếu khách châu Âu, nhiều nhất là Anh, Italia, Pháp… Khách du lịch nội địa cũng tăng khoảng 23%/ năm giai đoạn 2015- 2019 và đạt 9,5 triệu lượt khách ra đảo vào năm 2019. Trong đó, 80- 90% khách nội địa đến 2 đảo Phú Quốc và Cát Bà. Phần lớn khách đi nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch đến đảo ven biển lại tăng rất mạnh, đạt 63,37%/ năm giai đoạn 2015- 2019.
Đối mặt với nhiều thách thức
Mặc dù tiềm năng du lịch đảo là rất lớn, doanh thu từ khách du lịch đảo cũng rất cao, nhưng phát triển du lịch đảo cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ. Theo các chuyên gia du lịch, trong thời gian qua, việc phát triển du lịch biển đảo có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ, ở một số vùng, một số khu vực đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, kinh tế, xã hội các địa phương và vùng miền.
Đến nay mới chỉ có 6 huyện đảo có nguồn lưới điện quốc gia cung cấp điện phục vụ du lịch gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); các huyện còn lại được cung cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ (kết hợp máy phát điện diesel với điện mặt trời và điện gió). Hệ thống cung cấp nước phục vụ du lịch cũng chủ yếu là nước mưa, giếng khoan hoặc xử lý nước biển thành nước ngọt. Chỉ 6 huyện đảo có nhà máy xử lý rác thải. Chất thải, nước thải không được xử lý, thu gom đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều đảo.
Tính đến nay, trên cả nước có 2 sân bay quốc tế Vân Đồn, Phú Quốc, 1 sân bay quốc gia Côn Đảo. Mạng lưới đường bộ trên đảo ven bờ tương đối phát triển với hơn 3.000 km đường ven biển của 28 tỉnh, thành phố. Hệ thống giao thông đường thủy, cảng biển được cải thiện, tăng thêm nhiều phương tiện tiếp cận với các đảo ven biển, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của khách trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư tư nhân như SunGroup, VinGroup, Tuần Châu… đã tham gia vào đầu tư các cảng tàu khách của Việt Nam. Cả nước có 32 cảng biển, tuy nhiên, chưa có một cảng biển hành khách chuyên dụng nào.
Theo ông Phạm Hoài Chung (Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT): “Hiện nay phần lớn cảng khách, bến khách thủy nội địa (loại hình giao thông chủ yếu đưa khách từ bờ ra đảo) chỉ đáp ứng các điều kiện cơ bản trong khai thác, còn điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dịch vụ phục vụ khách du lịch còn rất kém. Mạng lưới các tuyến bờ ra đảo đang có 21 tuyến, chủ yếu phục vụ khách ra các đảo có du lịch phát triển. Cảng và bến phục vụ các tuyến vận tải từ bờ ra đảo mới chỉ được đầu tư ở đất liền, trên đảo thì hầu như chưa được đầu tư nên rất khó khăn cho việc hành khách tiếp cận đảo để du lịch”.
Vì vậy, yêu cầu về việc phát triển du lịch biển, đảo hài hòa, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền quốc gia; phát huy được vị thế, vai trò chủ lực trong việc phát triển kinh tế biển bền vững đã và đang đặt ra một cách cấp bách, đòi hỏi phải có quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch thực sự chất lượng, hiệu quả. Và hơn nữa là phải có những chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao ở một số địa bàn trọng điểm; có chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch sinh thái biển, đảo và các chính sách liên quan khác tạo sự phát triển đột phá cho du lịch biển, đảo.