Dù không giữ nhiều vai trò trong văn hóa ẩm thực như các nước Đông Á, rong biển lại giúp Ấn Độ thu về 500 triệu USD mỗi năm.
Dù được sử dụng trong y học dân gian Ấn Độ hàng ngàn năm, nhưng rong biển chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực Ấn Độ như các nước châu Á khác. Tuy nhiên, tại những khu ven biển như Đảo Pamban và Vịnh Mannar, nơi có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất quốc gia Nam Á, thu hoạch rong biển hoang dã lại là một tập quán lâu đời của người dân địa phương.
Các nhà khoa học Ấn Độ vốn đề xuất trồng rong biển như một hình thức nông nghiệp bền vững từ hàng chục năm nay. Nguyên nhân bởi phần lớn bờ biển của Ấn Độ có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển loài thực vật này, nhờ khí hậu nhiệt đới, nước nông và nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào.
Các vùng Gujarat và Tamil Nadu thậm chí chứa đa dạng sinh học rong biển cao nhất Ấn Độ, với khoảng 282 trong tổng số 841 loài rong biển phát triển mạnh dọc bờ biển nước này. Chính tại những làng này, nông dân đang chuyển dịch mạnh sang mô hình trồng rong biển xuất khẩu và trở thành khu vực sản xuất lương thực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, với tốc độ trung bình 8% mỗi năm.
Dù 60% đất đai được sử dụng cho nông nghiệp, Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ lớn nhất là 47% diện tích đất có thể canh tác của nước này đang bị thoái hóa và suy giảm chất dinh dưỡng. Một phần ba số này có nguyên nhân từ xói mòn. Nhưng nếu trồng và khai thác rong biển hợp lý, quốc gia này có thể chặn đứng vấn nạn.
Dinabandhu Sahoo, nhà thực vật học tại Đại học Delhi, cho biết: “Rong biển có khả năng bẩm sinh chống lại suy dinh dưỡng, và là nguồn cung cấp iốt, vitamin và protein hoàn hảo. Sahoo là người ủng hộ mạnh mẽ “cuộc cách mạng xanh” trong nông nghiệp Ấn Độ, nhưng phải tới khi Chính phủ Ấn Độ thông qua khoản ngân sách trị giá 87 triệu USD cho các sáng kiến trồng rong biển trong 5 năm tới, ông mới mạnh dạn vận động nông dân đẩy mạnh khai thác loài thực vật chưa được nuôi trồng trên quy mô lớn này.
Giá trị dinh dưỡng của rong biển không đơn thuần là một loại cây trồng. Rong biển hấp thu được năng lượng từ quá trình quang hợp, thông qua việc hấp thụ cacbon đioxit, rồi chuyển cacbon thành đường để tạo năng lượng, đồng thời giải phóng oxy vào nước. Nếu có thể bùng nổ việc phát triển rong biển, chúng có thể đưa nền kinh tế, thậm chí là ẩm thực, và hệ sinh thái của điểm hành hương linh thiêng trên Đảo Pamban lên một tầm cao mới.
Trước đây, người ta tin rằng phần lớn cacbon được lưu trữ trong rong biển cuối cùng sẽ được giải phóng trở lại khi tảo bị phân hủy trong đại dương. Nhưng qua phân tích số lượng lớn rong biển chết nằm sâu trong lớp trầm tích đáy đại dương cho thấy, phần lớn rong biển bị cuốn ra đại dương, cuối cùng chìm xuống đáy biển. Cacbon của nó bị nhốt luôn trong lớp trầm tích.
Theo nghiên cứu của nhà sinh thái học rong biển Dorte Krause-Jensen và các đồng nghiệp tại Đại học Aarhus, Đan Mạch, rong biển có thể coi là một bể chứa cacbon lưu động, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, rong biển cùng với sinh vật phù du, còn trở thành mắt xích cơ sở của chuỗi thức ăn dưới đại dương.
Kể từ nỗ lực đầu tiên vào năm 1987, khi loài Kappaphycus alvarezii, có nguồn gốc từ Philippines, được Viện Nghiên cứu Muối và Hóa chất Biển (CSMCRI) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ, việc trồng rong biển có dấu hiệu chậm lại ở nước này.
Dù có tiềm năng lớn, rong biển tại đây chủ yếu được dùng trong công nghiệp sản xuất thạch đa dụng, vốn có thể ứng dụng cả trong thực phẩm, mỹ phẩm và nuôi cấy vi sinh vật trong phòng thí nghiệm. Phải đến năm 1997, khi Eswaran, một nhà khoa học tại Trạm nghiên cứu tảo biển thực địa tại Cảng Okha ở Gujarat, rong biển mới được biết đến rộng rãi.
Chúng được giới thiệu tại Mandapam, Tamil Nadu trong cùng năm. Chỉ từ 5g hạt giống ban đầu, rong biển được nhân lên trong nhiều năm và hiện thu được thành công trong các trang trại trồng rong biển dọc bờ biển dài 100km gần Vịnh Palk.
Bước tiến mới cho ngành công nghiệp rong biển bắt đầu từ năm 2000, khi CSMCRI cấp phép công nghệ thu hoạch rong biển quy mô lớn cho PepsiCo. Công ty này muốn sử dụng rong biển để sản xuất carrageenan, một hợp chất giúp tạo gel, làm dày, và ổn định nguyên liệu.
Eswaran gọi đây là thời điểm “thương mại hóa rong biển tại Ấn Độ”. Đến năm 2008, AquAgri, một trong những công ty Ấn Độ đầu tiên mạo hiểm trồng rong biển thương mại và hiện có 18 địa điểm trồng rong biển ở Tamil Nadu, mua lại các ruộng trồng rong biển của PepsiCo.
Tính đến giữa quý IV/2020, công ty này đã cung cấp việc làm cho 650 ngư dân, chủ yếu là phụ nữ. Nhờ rong biển, phụ nữ ở các vùng biển từng bước độc lập về kinh tế và có tiếng nói hơn trong gia đình.
Muthulakshmi Namburajan, người đã thu hoạch và trồng rong biển suốt 38 năm qua cho biết, bà giờ không còn phải mạo hiểm đến những vùng nước sâu nữa. Thay vào đó, bà trồng rong biển dọc theo những dây neo bằng đá trong từng bè gần bờ. Nếu được mùa, bà có thể thu được 50kg rong biển mỗi ngày.
Theo số liệu của Eswaran, hiện có hơn 1.200 gia đình tham gia trồng rong biển dọc theo 100km bờ biển Tamil Nadu. Mỗi bè tại đây cho sản lượng 200kg, trong đó 50kg được sử dụng để gây giống cho bè vụ sau. Cũng theo chuyên gia này, hồi năm 2013 và 2014, ngành trồng rong biển từng đối mặt với sự khan hiếm giống chất lượng khi cá chết hàng loạt do nhiệt độ nước biển tăng cao.
“Để khắc phục điều này, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển một giống cây chịu nhiệt và lập một ngân hàng hạt giống”, ông bày tỏ.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, thị trường rong biển đang phát triển nhanh trên toàn cầu và đã cán mốc hơn 6 tỷ USD một năm, riêng Ấn Độ là 500 triệu USD. Ngoài những công dụng thông thường, các nhà khoa học còn đang nghiên cứu rong biển làm nhiên liệu sinh học. CSMCRI đang cân đối hiệu quả kinh tế của sản phẩm này, dựa trên thành công của phân bón sinh học dạng lỏng từ rong biển những năm qua.