Đã có động vật hoang dã ở Mỹ nhiễm COVID-19, tuy nhiên giới chức ngành thú y chưa có bằng chứng khẳng định dịch đã lan rộng trong các quần thể động vật hoang dã nước này.
Phòng thí nghiệm Dịch vụ Thú ý quốc gia (NVSL) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo trường hợp động vật hoang dã đầu tiên nhiễm COVID-19, hãng tin Sputnik ngày 15-12 cho hay.
Theo thông báo của NVSL, mẫu xét nghiệm real-time PCR lấy từ một con chồn hoang dã sống gần một trang trại nuôi chồn ở bang Utah (Mỹ) đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
NVSL xác nhận đây là “loài động vật hoang dã bản địa, không bị nuôi nhốt đầu tiên được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2”.
NVSL cho biết việc xét nghiệm COVID-19 cho cá thể này là một phần chương trình của Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) nhằm nghiên cứu dịch tễ đối với loài chồn hoang dã sống gần những trang trại nuôi chồn ở các bang Utah, Michigan và Wisconsin.
Nghiên cứu được tiến hành từ ngày 24-8 đến ngày 30-10. Kết quả nghiên cứu đã được APHIS chuyển cho Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
NVSL cũng lưu ý rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy dịch COVID-19 đã lan truyền trong các quần thể động vật hoang dã. Mẫu xét nghiệm được báo cáo là trường hợp duy nhất cho kết quả dương tính, tất cả các mẫu còn lại đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trình tự gen virus SARS-CoV-2 được tìm thấy trong cá thể chồn hoang dã này tương tự trình tự gen thu được từ các cá thể chồn nuôi nhốt đã nhiễm COVID-19 ở các trang trại gần đó.
Ở Mỹ, dịch COVID-19 đã xuất hiện trên chồn được nuôi nhốt tại 16 trang trại ở Utah, Michigan và Wisconsin. Một số nước châu Âu cũng đã báo cáo các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trên chồn nuôi nhốt trong các trang trại ở Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha…
Virus SARS-CoV-2 được cho là cũng xuất hiện trên một số loài động vật khác như hổ và sư tử trong các vườn thú ở Mỹ và một số thú cưng như chó, mèo…