Trong 5 năm qua, Indonesia xảy ra hơn 16.400 thảm họa khiến 8.400 người thiệt mạng, mất tích và 30,1 triệu người phải đi lánh nạn, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Indonesia xếp vị trí thứ nhất trong danh sách của Ngân hàng Thế giới (WB) liệt kê 35 quốc gia trên thế giới có mức độ rủi ro do thiên tai cao nhất.
Thứ hạng không mong muốn này được xét dựa trên số người thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai xảy ra ở Indonesia trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là các trận động đất ở Lombok, sóng thần ở Donggala và eo biển Sunda.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, thông tin trên được người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) Doni Monardo đưa ra tại hội thảo quốc gia về xã hội hóa và phục hồi sau thiên tai diễn ra ngày 15/12.
Phát biểu tại hội thảo, ông Doni cho biết những thiệt hại về tính mạng và tài sản do thảm họa thiên tai gây ra ở Indonesia trong giai đoạn 2015-2020 là rất lớn.
Theo đó, trong 5 năm qua, Indonesia xảy ra hơn 16.400 thảm họa khiến 8.400 người thiệt mạng, mất tích và 30,1 triệu người phải đi lánh nạn.
Đáng chú ý, năm 2018 là năm Indonesia hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề nhất, với 6.240 người thiệt mạng, mất tích và 10 triệu người đi lánh nạn trong 3.300 vụ thảm họa.
Theo quan chức trên, Indonesia đã phân loại các thảm họa xảy ra thành 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất là về địa chất và núi lửa phun trào, động đất, sóng thần. Thứ hai là khí tượng thủy văn khô hạn mức I như cháy rừng và hạn hán. Thứ ba liên quan tới khí tượng thủy văn mức II bao gồm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sóng cực mạnh và lốc xoáy và nhóm thảm họa thứ tư liên quan tới rác thải, dịch bệnh, đại dịch và rác thải công nghệ.