Dù năm 2020 chứng kiến những thảm họa cháy rừng lịch sử ở Australia và bang California (Mỹ), số lượng các vụ cháy rừng xảy ra năm nay ít hơn mức trung bình so với các năm trước.
Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/12 tổng kết như trên, đồng thời cho biết năm 2020 là một trong những năm ít xảy ra đám nhất trên toàn cầu.
Số liệu do CAMS thu thập được trong một năm qua cho thấy lượng khí thải CO2 từ các đám cháy trong năm nay ước tính thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, nếu tính riêng tại các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, tần suất đám cháy xảy ra cao hơn, dẫn tới việc thải ra khoảng 1,7 tỷ tấn CO2. Con số này trong năm 2019 là 1,9 tỷ tấn.
Theo nhà khoa học cấp cao và chuyên gia về cháy rừng tại CAMS, Mark Parrington, dù năm 2020 là một năm thảm họa tại những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng tổng lượng khí thải trên toàn cầu lại thấp hơn nhờ cách xử lý hỏa hoạn và các biện pháp giảm nhẹ thiên tai. Ông cho biết số vụ cháy trên toàn thế giới đã giảm dần từ năm 2003, khi bắt đầu triển khai hoạt động giám sát. Tuy nhiên, nhà khoa học này cho biết không nên vội mừng vì các đám cháy ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất tăng kỷ lục về cường độ vì khí hậu khô hơn và nóng hơn. Ông cũng nói thêm rằng: “Tình trạng này dẫn tới sự gia tăng các chất ô nhiễm, bay đi xa hàng nghìn dặm, ảnh hưởng đến chất lượng không khí của hàng triệu người”.
Theo CAMS, có 4 khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng của cháy rừng. Tại miền Tây nước Mỹ, các số liệu cho thấy một số vùng bị cháy rừng nghiêm trọng do khí hậu nắng nóng bất thường trong tháng 8 và tháng 9. Khói từ cháy rừng ở California, Oregon và Washington lan ra khắp Đại Tây Dương, đến tận Bắc Âu, thải ra hơn 30 triệu tấn CO2 vào khí quyển. Tính đến đầu tháng 9, khí thải từ cháy rừng ở Bắc Cực vượt kỷ lục của mọi năm trước đó. Cụ thể, lượng khí thải trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 244 triệu tấn, so với mức 181 triệu tấn của cả năm 2019. Trong khi đó, khu vực Caribe cũng có lượng khí thải kỷ lục từ các đám cháy ở Guatemala và cao hơn mức thải khí trung bình của toàn khu vực.
Còn tại Australia, các đám cháy rừng đã gây ra khoảng 400 triệu tấn CO2, với những đám khói lớn đủ để bao phủ toàn nước Nga.