Nhiều ý kiến cũng đề xuất ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như kết nối hàng hải và thương mại trên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải…
Ngày 14/12, Hội thảo kỷ niệm 10 năm thành lập Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) đã diễn ra với chủ đề “Cách tiếp cận gắn kết và thích ứng của ASEAN về hợp tác biển.”
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, có sự tham dự của đại diện các nước ASEAN, các học giả uy tín trong và ngoài nước cùng các bộ, ngành liên quan của Việt Nam.
Chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao khẳng định ý nghĩa của hội thảo trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 10 năm thành lập Diễn đàn Biển ASEAN (2010-2020).
Được thành lập vào năm 2010, Diễn đàn Biển ASEAN đã tạo cơ hội để thúc đẩy đối thoại, chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác biển. Đồng thời, trước những chuyển biến mới trong cục diện hợp tác biển ở khu vực thời gian qua, đây là thời điểm để ASEAN kiểm điểm lại tình hình hợp tác biển trong 10 năm qua và đề xuất phương hướng, biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong thời gian tới.
Theo đó, ông Vũ Hồ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 3 chủ đề: Đánh giá tình hình hợp tác biển ASEAN trong bối cảnh mới; chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn tốt về triển khai hợp tác biển của các nước ASEAN; xây dựng cách tiếp cận gắn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trong hợp tác biển. Kết quả và khuyến nghị đưa ra tại Hội thảo sẽ được báo cáo Diễn đàn Biển ASEAN xem xét.
Kiểm điểm tình hình thời gian qua, các đại biểu nhất trí đánh giá hợp tác biển luôn là một lĩnh vực ưu tiên cao trong hợp tác khu vực, với sự tham gia của nhiều cơ chế, cơ quan chuyên ngành. Nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về hợp tác biển đã được thông qua, mới nhất trong năm 2020 là Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á về Phát triển biển bền vững.
Nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động hợp tác đã và đang được triển khai. Theo thông tin của Ban thư ký ASEAN, hợp tác biển chiếm hơn 10% số dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 và là một trong những lĩnh vực có nhiều hoạt động được triển khai nhất cho đến nay.
Bên cạnh những kết quả hợp tác, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về những thách thức đang nổi lên, trong đó có những thách thức phi truyền thống như: Đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm môi trường biển và nạn rác thải nhựa, tội phạm trên biển…
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, gồm các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, dễ đẩy ASEAN rơi vào thế “kẹt,” đánh mất vai trò trung tâm.
Mặt khác, hợp tác biển cũng là lĩnh vực mang tính liên ngành, liên trụ cột. Có tới 12 cơ quan tham gia vào hợp tác biển, sẽ dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực.
Trước tình hình này, các đại biểu nhất trí ASEAN cần sớm xem xét xây dựng một cách tiếp cận gắn kết, tổng thể và toàn diện về hợp tác biển. Cách tiếp cận này cần xây dựng trên cơ sở hài hòa giữa ưu tiên, lợi ích của quốc gia và của khu vực, giữa chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia với của khu vực và quốc tế; gắn kết và đóng góp vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng và bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như kết nối hàng hải và thương mại trên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, đi đôi với hỗ trợ nhân đạo cho người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing), bảo vệ sinh kế của cộng đồng ven biển, nghiên cứu khoa học biển…
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ yêu cầu cần tăng cường công tác chia sẻ thông tin, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, trong đó chú trọng phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của Diễn đàn Biển ASEAN.
Đặc biệt, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển trong việc tiến hành mọi hoạt động trên biển. Các đại biểu hoan nghênh đề xuất của Việt Nam về ý tưởng xây dựng một cách tiếp cận tổng thể, gắn kết và thích ứng của ASEAN về hợp tác biển, qua đó nhằm khẳng định đoàn kết, vai trò của ASEAN trước những thách thức phức tạp đang đặt ra, vừa thúc đẩy hợp tác và nâng cao khả năng thích ứng với những diễn biến, vấn đề đang nổi lên.
Hội thảo là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động về chủ đề hợp tác biển do Việt Nam chủ trì tổ chức trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Dự kiến ngày 15/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 10 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 8 với sự tham dự của đại diện các nước ASEAN và đối tác để trao đổi về những vấn đề trên biển cùng quan tâm.