Phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường là xu hướng mà du lịch thế giới đang thực hiện. Đây cũng là định hướng cho du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng để phát triển một cách bền vững, hiệu quả.
Du lịch gắn với thiên nhiên và môi trường
Du lịch xanh là loại hình du lịch giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, phát triển du lịch xanh, sạch không chỉ là gắn với phát huy, phát triển tài nguyên thiên nhiên tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, mà còn là việc xây dựng môi trường du lịch an toàn, bảo vệ thiên nhiên.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam hiện có 23/33 vườn quốc gia, 35/127 khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Năm 2019, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 185 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy tiềm năng để phát triển du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là rất lớn. Tại Hà Nội, với tiềm năng tài nguyên thiên nhiên lớn nằm ở khu vực ngoại thành như các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai…, việc phát triển du lịch xanh gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái là hướng đi nằm trong kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của Hà Nội.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gắn phát triển du lịch với phát huy tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, như: Phát triển mô hình xe điện, xích lô, xe đạp ở khu vực phố cổ; triển khai du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu vực ngoại thành, nổi bật là tại Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng (huyện Gia Lâm), huyện Ba Vì… Nhiều điểm đến của Hà Nội từng bước xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hoa tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, như: Vườn hoa hướng dương tại Hoàng thành Thăng Long, suối hoa súng tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức), mùa hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì… Bên cạnh đó, các đơn vị còn thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên, khách du lịch ứng xử thân thiện với môi trường.
Để du lịch xanh, sạch, bền vững
Mặc dù đem lại nguồn thu khá lớn, song phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi với thiên nhiên tại Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn, chưa xứng với tiềm năng. Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Lâm nghiệp) nêu thực trạng, một số điểm đến còn thiếu tính chủ động trong việc phát triển du lịch gắn với cộng đồng địa phương; ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan của các đơn vị khai thác cũng như người dân, du khách còn hạn chế…
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, việc khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch sinh thái còn thiếu sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào hoạt động bảo vệ môi trường. Nhiều danh lam, thắng cảnh, như khu du lịch Suối Hai, Ao Vua (huyện Ba Vì)… còn thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) Nguyễn Đức Tùng cho rằng, thành phố Hà Nội cần hoàn thiện chính sách quản lý cũng như khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Trong khi đó, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch tổng thể, Hà Nội cần tăng cường hướng dẫn các điểm đến thực hiện giải pháp văn minh du lịch, xây dựng môi trường xanh, sạch trong khuôn viên điểm tham quan; tuyên truyền người dân và du khách thực hiện ứng xử văn minh du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Du lịch Hà Nội thông tin, ngành Du lịch Thủ đô đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2030; trong đó chú trọng việc quy hoạch phát triển mạng lưới du lịch sinh thái và quy hoạch mạng lưới giao thông phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô. Theo quy hoạch này, Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng ở khu vực các huyện Ba Vì, Mỹ Đức; tập trung khai thác phát triển du lịch bền vững tại một số di sản văn hóa và làng nghề, như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tại khu vực Suối Hai, Ao Vua (huyện Ba Vì); đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh…
“Hà Nội luôn xác định du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên là trọng tâm xuyên suốt, từ đó thêm khẳng định vị thế của Thủ đô trong bản đồ du lịch cả nước”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.