Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà được mệnh danh là “bảo tàng” thiên nhiên của Khánh Hòa với mức độ đa dạng sinh học cao, hệ động thực vật rất phong phú. Trước nguy cơ rừng trong khu bảo tồn bị các đối tượng tác động trái phép, Ban Quản lý (BQL) khu bảo tồn đã nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại Hòn Bà.
Liên tục tuần tra
Những năm gần đây, tuy lâm phận KBTTN Hòn Bà không xảy ra “điểm nóng” về vi phạm Luật Lâm nghiệp nhưng vẫn còn những vụ việc lén lút diễn ra, dưới nhiều hình thức. Để giữ rừng, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ sống gần rừng, ven rừng không xâm hại rừng, không phát nương làm rẫy trong khu bảo tồn; bố trí các trạm kiểm lâm ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ bị tác động…, Hạt Kiểm lâm Hòn Bà xác định muốn giữ vững diện tích rừng được giao thì phải liên tục tuần tra sâu vào rừng để giữ rừng từ gốc.
Xác định các khu vực có nguy cơ bị tác động như: Trà Dâng, Đá Trắng, Đá Hàn, Suối Tân, tuyến đường Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm); Ma O, suối Chi Chay, Trại Gà, Tà Gụ, Ko Lắc, Ko Róa (huyện Khánh Sơn); Kho đạn, suối nước nóng, thác Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh); Lỗ Gia (xã Suối Tiên), Hòn Chuông, hồ Am Chúa (xã Diên Điền), Mỏ Đá (xã Diên Tân) thuộc huyện Diên Khánh…, lực lượng kiểm lâm KBTTN Hòn Bà đã tổ chức 876 đợt tuần tra, kiểm tra kiểm soát. Nhờ đó, đã phát hiện, đẩy đuổi kịp thời nhiều đối tượng ra khỏi rừng. Các tổ, trạm kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Hòn Bà còn phối hợp tổ chức 210 đợt tuần tra dài ngày trong rừng. Hạt còn chú trọng công tác phối hợp với các hạt kiểm lâm địa phương như: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và UBND các xã trong phạm vi ranh giới khu bảo tồn để giữ vững lâm phận được giao.
Ông Nguyễn Triều Dương – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòn Bà cho biết: “Để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực vào rừng, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản, săn bắt động thực vật rừng… trong khu bảo tồn, chúng tôi xác định nhiệm vụ cốt lõi là giữ rừng. Nhờ việc tuần tra, kiểm soát được thực hiện liên tục nên trong lâm phận chỉ ghi nhận 1 vụ việc 0,71ha rừng và đất rừng tại tiểu khu 235 bị tác động. Từ đầu năm đến nay, trong lâm phận khu bảo tồn không phát hiện, xử lý vụ việc nào liên quan đến công tác quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy; các đối tượng đặt bẫy, săn bắt thú rừng đã được đẩy đuổi ra khỏi rừng kịp thời”.
Giữ gìn đa dạng sinh học
Theo ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh – Phó Giám đốc phụ trách BQL KBTTN Hòn Bà, khu bảo tồn được xác định có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Hệ động vật có 28 bộ, 88 họ và 274 loài; trong đó đã ghi nhận có 70 loài thuộc lớp thú, 144 loài thuộc lớp chim, 37 loài thuộc lớp bò sát, 17 loài thuộc lớp ếch nhái; có 56 loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới. Hệ thực vật ghi nhận ban đầu có 120 họ, 468 chi, 752 loài, trong đó có 43 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam. Hàng năm, qua các đợt nghiên cứu tại KBTTN Hòn Bà, các nhà khoa học trong và ngoài nước công bố thêm rất nhiều loài mới. Năm 2020, công tác quản lý bảo vệ rừng trong khu bảo tồn được thực hiện tốt nhưng nguy cơ rừng bị xâm hại vẫn còn đó, bởi mức độ đa dạng sinh học của khu bảo tồn rất cao. Năm 2021, BQL KBTTN Hòn Bà sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ vững đa dạng sinh học trong khu bảo tồn.
Công tác quản lý bảo vệ rừng được đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các trạm trưởng, tổ trưởng kiểm lâm trực thuộc Hạt Kiểm lâm Hòn Bà sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trong phạm vi trạm, tổ mình phụ trách. Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Hòn Bà sẽ liên lục tổ chức và phối hợp tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, nhất là các đợt tuần tra sâu vào rừng, ở những khu vực có nguy cơ bị xâm hại để hiệu quả giữ rừng cao hơn. Trong mùa khô, tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các đám cháy rừng xảy ra trong lâm phận…
Bên cạnh việc tập trung giữ rừng, BQL khu bảo tồn còn triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, phát triển rừng; tổ chức nhiều đợt thả động vật hoang dã về lại môi trường tự nhiên; triển khai nhiều hoạt động điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, thu thập tiêu bản hệ động, thực vật trong khu bảo tồn… “Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục di thực cây bản địa và trồng cây thuốc nam tại vườn sưu tập thực vật để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm; triển khai các đề tài, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học cho khu bảo tồn. Bên cạnh đó, tổ chức điều tra về đa dạng sinh học, bảo tồn loài gen trong khu bảo tồn một cách chuyên sâu, có hiệu quả”, ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh nói.