Dệt nhuộm là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nhất của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Nó tàn phá môi trường và gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Sông không có cá!
Khi Haji Muhammad Abdus Salam nhìn ra con sông nghẹt rác gần nhà, nằm ở một trong những khu sản xuất hàng may mặc lớn nhất của Dhaka (Bangladesh), ông nhớ lại khoảng thời gian trước khi các nhà máy mọc ra ở đây: “Khi tôi còn nhỏ, không có nhà máy may mặc nào ở đây. Chúng tôi thường trồng trọt, đánh bắt cá. Bầu không khí thì rất tuyệt”.
Dòng sông bên nhà ông giờ mang một màu đen kịt. Abdus Salam cho biết, chất thải từ các nhà máy may mặc và nhuộm gần đó đã làm con sông ô nhiễm. “Bây giờ, sông không có cá” – ông cho hay.
Bangladesh là trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với trị giá xuất khẩu hàng may mặc đạt 34 tỉ USD vào năm 2019, với các thị trường chính là Mỹ và Châu Âu.
Nhưng khi người tiêu dùng lướt qua các xu hướng màu sắc mới nhất của mùa, chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện thuốc nhuộm được sử dụng để tạo ra mọi màu sắc và chuyện độc hại của chúng. Thời trang là nguyên nhân gây ra tới 1/5 tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Một phần nguyên do các quy định lỏng lẻo và việc thực thi yếu kém ở những “công xưởng sản xuất” của thế giới như Bangladesh. Nơi đây, nước thải thường được xả trực tiếp ra sông, suối. Trong khi, nước thải thường là hỗn hợp của các hóa chất gây ung thư, thuốc nhuộm, muối và kim loại nặng. Chúng không chỉ gây tổn hại đến môi trường mà còn gây ô nhiễm nguồn cấp nước thiết yếu cho cuộc sống.
Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh cho biết, họ đang “cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ các ngành tạo ra xuất khẩu lớn nhất, bao gồm hàng may mặc sẵn và hàng dệt”. Bộ trưởng Shahab Uddin nói trong một tuyên bố được gửi email tới CNN rằng, một loạt các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết vấn đề ô nhiễm, bao gồm cập nhật Luật Bảo tồn và môi trường, phạt tiền người gây ô nhiễm, giám sát chất lượng nước, thiết lập các nhà máy xử lý nước thải tập trung, làm việc với các đối tác phát triển quốc tế để cải thiện công nghệ xử lý nước thải.
“Các hoạt động giám sát và thực thi… đang đóng một vai trò quan trọng trong việc chống ô nhiễm do các ngành công nghiệp xả thải bất hợp pháp gây ra. Chúng tôi có chính sách và khung pháp lý để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường của đất nước” – ông Shahab Uddin nói.
Ridwanul Haque – Giám đốc điều hành của Tổ chức phi chính phủ Agroho có trụ sở tại Dhaka – gọi ô nhiễm hóa chất độc hại là một “vấn đề lớn ở một quốc gia như Bangladesh”. Nước “rất đặc, đen như hắc ín” và mùi vẫn nồng nặc kể cả khi vào mùa mưa, theo ông Haque.
Thêm những cái giá phải trả
Ngành công nghiệp thời trang sử dụng khoảng 93 tỉ m3 nước mỗi năm, đủ để bơm đầy cho 27 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic, theo Quỹ Ellen MacArthur. Cùng với quá trình hoàn thiện, nhuộm là quá trình gây ô nhiễm và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất liên quan đến quy trình sản xuất quần áo.
Hoàn thiện là khi các hóa chất hoặc phương pháp xử lý được áp dụng để vải mang lại vẻ ngoài mong muốn, chẳng hạn tẩy trắng, làm mềm hoặc làm cho quần áo có khả năng chống nước hay chống nhăn. Một lượng lớn nước và hóa chất cũng được sử dụng trong quá trình nhuộm để đảm bảo màu sắc sinh động, bám vào vải và không bị phai hay loang lổ.
Ví dụ, quy trình sản xuất chất liệu denim. Liên Hợp Quốc cho biết, việc sản xuất một chiếc quần jean tiêu thụ khoảng 7.500 lít nước, từ việc trồng bông thô đến thành phẩm. Để đảm bảo màu xanh của nó, chỉ hoặc vải được nhúng nhiều lần trong các thùng lớn thuốc nhuộm chàm tổng hợp. Sau khi nhuộm, vải denim được xử lý và giặt với nhiều hóa chất hơn để làm mềm hoặc tạo vân. Để có được kiểu bò phai hay bò sờn, rách, hóa chất được sử dụng lại tăng, trong đó có axit, enzym, thuốc tẩy và formaldehyde.
Song đồ jean không phải là chất liệu gây ô nhiễm duy nhất. “Mỗi khi muốn có một màu mới, bạn sẽ sử dụng hóa chất và thuốc nhuộm nhiều hơn cùng các chất tạo màu, dung môi” – Ma Jun, một trong những nhà môi trường hàng đầu Trung Quốc, cho hay trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại của CNN. “Mỗi mùa, chúng tôi biết rằng, ngành công nghiệp thời trang cần phải làm nổi bật những màu sắc mới” – Ma Jun nói.
Sau khi hoàn thành quy trình dệt nhuộm, cách rẻ nhất mà các nhà máy loại bỏ nước thải chứa đầy hóa chất không thể sử dụng được là xả ra các sông, hồ gần đó. Mặc dù Ngân hàng Thế giới xác định được, chỉ 72 hóa chất, dung môi trong dệt nhuộm là độc hại, song khi chúng tích tụ trong môi trường nước, cản trở ánh sáng, làm giảm khả năng quang hợp của thực vật. Điều này cũng làm giảm nồng độ ôxy trong nước, giết chết các động thực vật thủy sinh.
Ngoài ra, trong số đó, còn có các hóa chất và kim loại nặng có thể tích tụ trong cơ thể người làm gia tăng các bệnh ung thư, bệnh cấp tính và các vấn đề về da. Một số khác được phát hiện là gia tăng độc tính khi chúng hoạt động trong chuỗi thức ăn. Trong khi, nước nhiễm nhiều hóa chất cũng được sử dụng để tưới cây. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, thuốc dệt nhuộm có mặt trong rau và trái cây trồng quanh Savar.
Sarah Obser – người đứng đầu bộ phận bền vững tại PFI Hong Kong (Trung Quốc), một công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán môi trường và nhà máy ở Châu Á – cho hay, khi đã có trong nước thải, hóa chất nhuộm rất khó loại bỏ. “Các chất này không bị phân hủy nên vẫn tồn tại trong môi trường” – Sarah Obser nói.
Trong các loại thuốc nhuộm khác nhau, thuốc nhuộm azo có gốc nitơ tổng hợp làm tăng nguy cơ gây ung thư đã được ngành thời trang và các nhà môi trường giám sát đặc biệt. Những chất này độc hại đến mức Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam đều cấm nhập khẩu cũng như sử dụng.
Ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm nước từ ngành công nghiệp dệt may là một vấn đề lớn ở các nước sản xuất hàng may mặc, mà hầu hết ở Châu Á, do nguồn lao động giá rẻ khổng lồ. Hơn một thập kỷ trước, nhiều sông, hồ ở Trung Quốc – “công xưởng sản xuất quần áo lớn nhất thế giới” – đã chết vì ô nhiễm.
Công nhân và người dân sống gần các nhà máy thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm. Theo Ma Jun, những ngư dân sống gần các nhà máy nhuộm và dệt dọc theo các nhánh sông Tiền Đường (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã mất kế sinh nhai vì thế.
Ở Bangladesh, một cư dân Savar cho hay, anh không đặt chân xuống nước quanh khu vực sinh sống của mình nữa. “Nước này gây ra các vết loét trên cơ thể” – anh nói và cho biết thêm rằng, những người rửa tay hay rửa mặt trong nước này đã bị sốt và kích ứng da.
Ông Ridwanul Haque còn cho rằng, bùn độc hại cũng làm ô nhiễm nguồn nước ngọt do người dân sử dụng giếng. “Người dân không có lựa chọn nào khác vì không có tiền để lắp máy lọc hay làm giếng khoan (lấy nước ở độ sâu). Nên họ vẫn phải sử dụng” – ông Haque nói.
Các vấn đề về đường tiêu hóa hay bệnh ngoài da cũng là một trong những căn bệnh phổ biến mà ông Haque quy tội trực tiếp cho ô nhiễm từ dệt may.
Nhưng vì ngành dệt may cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Bangladesh, chiếm 20% GDP và sử dụng khoảng 4 triệu nhân công, nên những người dân như Abdus Salam không mong muốn các nhà máy đóng cửa.
Thay đổi thái độ
Nếu giới chức địa phương không có những biện pháp để làm sạch nguồn nước thì “tương lai của khu vực này sẽ rất đen tối”, anh Abdus Salam chia sẻ.
Nhưng sự thay đổi đang diễn ra. Ở Bangladesh, có những dấu hiệu cho thấy, các nhà sản xuất dệt may đang coi trọng trách nhiệm với môi trường hơn. Chẳng hạn, các thương hiệu cam kết thực hiện các sáng kiến như Đối tác vì ngành dệt sạch hơn (PaCT) nhằm xử lý nước, năng lượng và hóa chất sử dụng.
Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Bangladesh còn khẳng định, đã yêu cầu mọi cơ sở gây ô nhiễm phải lắp đặt thêm bộ phận xử lý nước thải. Một chính sách môi trường mới có tên Nước thải bằng không (ZLD) còn đề nghị các công ty nhuộm vải và giặt là phải “đệ trình kế hoạch để giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng nước thải”.
Những quốc gia khác cũng có bước đi tương tự. Trung Quốc còn đưa ra nhiều chính sách mới ngăn chặn gây ô nhiễm. Ví dụ, năm 2017, Trung Quốc đã tạm đóng cửa hàng nghìn nhà máy dệt may gây ô nhiễm.
Ngoài ra, những sáng kiến mới về công nghệ để tạo phương thức nhuộm thân thiện hơn với môi trường cũng được áp dụng.