Nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm nhanh chóng, hệ sinh thái biển đang bị suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng cần được quy hoạch và bảo vệ.
Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cách đây 5 năm, ngành thủy sản đã xác định được 1.081 loài thủy sản, gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loại động vật chân đầu, 44 loài thuộc nhóm khác.
Về trữ lượng, các loài cá biển, giáp xác và động vật chân đầu ở vùng biển được điều tra là 4,69 triệu tấn, trong đó trữ lượng nguồn lợi cá nổi nhỏ là 2,65 triệu tấn (chiếm 60,7% tổng trữ lượng); nhóm hải sản tầng đáy là 643 ngàn tấn (chiếm 14,7% tổng trữ lượng); nhóm cá sống trong vùng rạn san hô quanh đảo là 2,6 ngàn tấn; nhóm cá nổi lớn là 1.031 ngàn tấn. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1,68 ngàn tấn; vùng khơi là 2.996 ngàn tấn…
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học biển nói chung, nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm nhanh chóng, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái và xuống cấp nghiêm trọng do bị thu hẹp diện tích phân bố.
Tại Việt Nam, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản cũng đang ngày có xu hướng cạn kiệt bởi các hoạt động khai thác quá mức, các hoạt động khai thác có tính hủy diệt và tác động lớn đến môi trường.
Theo Viện Tài nguyên và Môi trường biển, các hệ sinh thái biển đang bị suy giảm một cách nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm về đa dạng thành phần loài và chất lượng của nguồn lợi thủy hải sản trong hệ sinh thái.
Đồng thời, điều kiện môi trường ở vùng biển ven bờ thay đổi dẫn đến suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái biển nhạy cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến vùng sinh cư của các loài thủy sản. Đặc biệt là các loài có ý nghĩa kinh tế đang trong tình trạng nguy cấp có thể bị tuyệt chủng.
Ưu tiên quy hoạch, bảo vệ 25 vùng sinh thái tiêu biểu
Trước thực trạng trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: Luật Đa dạng sinh học và Luật Thủy sản năm 2017 quy định: Khu bảo tồn có hợp phần biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái ven biển nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ bị xóa sổ trong những thập niên tới. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không bảo vệ hệ sinh thái biển, không bảo tồn nguồn lợi thủy sản, thì chúng ta sẽ chẳng còn gì để đánh bắt.
Vấn đề đặt ra là phải quản lý, bảo vệ các hệ sinh thái ven biển, hạn chế tối đa tốc độ suy thoái của hệ sinh thái. Theo đó, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất 25 khu bảo tồn thiên nhiên có các hệ sinh thái ven biển tiêu biểu cần được ưu tiên bảo vệ trong thời gian tới.
25 khu bảo tồn thiên nhiên có các hệ sinh thái ven biển cần được ưu tiên bảo vệ:
Khu vực cụm đảo Thổ Chu; Khu vực quần đảo Nam Du; Khu vực quần đảo Bà Lụa; khu vực quần đảo Hải Tặc (thuộc tỉnh Kiên Giang); khu vực Hải Giang – Hòn Khô (Bình Định); khu vực gò, đồi ngầm Quảng Bình – Quảng Trị; khu vực rạn san hô Tam Hải (Quảng Nam); khu vực quần đảo Long Châu (TP.Hải Phòng), đảo Thuyền Chài (Quần đảo Trường Sa); khu vực Cửa Gianh (Quảng Bình); khu vực thảm cỏ biển Bãi Bồn-Rạch Vẹm-Phú Quốc; Khu vực thảm cỏ biên Kiên Lương; rừng ngập mặn Cù Lao Dung (Sóc Trăng); khu vực đàm Cù Mông (Phú Yên); khu vực đàm Ô Loan (Phú Yên); đầm Trà Ô (Bình Định); đầm Thị Nại (Bình Định); khu vực đầm Nhà Mạc, Quảng Yên, Quảng Ninh: vùng cửa sông Tiên Yên; vùng cửa sông Hải Phòng, Thái Bình (Hải Phòng-Thái Bình); cửa sông Văn Úc (Tiên Lãng-Hải Phòng); bãi bồi cửa sông Soài Rạp; khu vực bãi bồi ven biển Ngọc Hiển-Cà Mau; ven biển cù lao An Hóa (Bến Tre); vùng cửa sông Hàm Luông (Bến Tre). |