Hơn một triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị của Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS), kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á.
Theo tổ chức FOUR PAWS, chỉ tính riêng ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia, đã có hơn 10 triệu con chó và mèo bị giết mỗi năm để lấy thịt. Việc buôn bán thịt chó, mèo không chỉ tàn nhẫn mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới từ động vật như COVID-19, và có liên quan đến các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác như bệnh dại.
Tại Việt Nam, tình trạng buôn bán chó và mèo làm thức ăn cho con người chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nước thành viên các nước ASEAN, với ước tính có năm triệu các thể chó và một triệu cá thể mèo bị giết thịt.
Trước những lo ngại trên, FOUR PAWS đã gửi thư ngỏ tới Chính phủ Việt Nam, Campuchia và Indonesia với mong muốn kêu gọi các nước ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán thịt chó, mèo để bảo vệ sức khỏe con người và động vật. Đồng thời, ngăn chặn các thảm họa sức khỏe cộng đồng có thể xảy ra trong tương lai.
Theo đó, đã có chữ ký của hơn một nghìn người trên toàn thế giới, trong đó có hơn 180.000 công dân Việt Nam, đề nghị ban hành lệnh cấm buôn bán thịt chó và mèo.
Trong thư gửi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tổ chức này bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành lệnh cấm “ngay lập tức và vĩnh viễn đối với các hành vi buôn bán, giết mổ và tiêu thụ thịt chó và mèo trên lãnh thổ Việt Nam”, thư kiến nghị ghi rõ. Đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường thực thi việc đóng cửa các cơ sở giết mổ chó mèo bất hợp pháp và tịch thu động vật bị buôn bán liên tỉnh. Công khai tuyên bố những đe dọa với sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn trong hành vi giết mổ và tiêu thụ chó và mèo.
FOUR PAWS nhấn mạnh, chó, mèo bị trao đổi buôn bán thường là những vật nuôi bị bắt trộm, hoặc đi lạc và bị bắt trên đường phố. Chúng bị nhồi nhét trong những chiếc lồng nhỏ và bị giết hại tại các nhà hàng, chợ và lò mổ trên khắp Đông Nam Á. Điều kiện mất vệ sinh ở các lò mổ, và chợ động vật sống đã tạo điều kiện cho việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật, và là nơi phát triển của những loại bệnh mới.
“Đại dịch COVID-19 gần đây đã đưa ra thực tế rõ ràng về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống. Tại chợ động vật sống ở Vũ Hán – nơi được cho là nguồn gốc của COVID-19, cũng như các nguồn gốc được dẫn chứng bằng tư liệu của các bệnh dịch khác gần đây,các hoạt động không đảm bảo vệ sinh, đối xử tàn bạo và điều kiện giam nhốt chật chội dẫn đến việc trà trộn cả động vật bị bệnh. Các điều kiện mất vệ sinh này cũng thường được thấy trong nạn buôn bán thịt chó, mèo.Tất cả dẫn đến một môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của các loại virus mới”, Tiến sĩ Karanvir Kukreja – Giám đốc Dự án Chiến dịch Chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo của FOUR PAWS – cho biết.
Theo nghiên cứu của tổ chức này, phần lớn người dân địa phương không ăn thịt chó, mèo. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều khách du lịch phản đối việc buôn bán, họ thường xuyên kể lại sự kinh hoàng khi chứng kiến cảnh buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á.
“Chúng tôi tự hào đã đạt được cột mốc quan trọng đầu tiên trong việc kêu gọi sự ủng hộ của công chúng khắp nơi trên thế giới. Siem Reap (một điểm du lịch của Campuchia) đã cấm ăn thịt chó, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”, Tiến sĩ Katherine Polak cho biết.
Nhà máy bia Campuchia lên án việc tiêu thụ thịt chó
Ở Campuchia, thịt chó, có tên là “thịt đặc sản” được tiêu thụ thường xuyên cùng với đồ uống có cồn. Trên khắp đất nước, quảng cáo cho món ăn này có thể được nhìn thấy bên ngoài các nhà hàng, nổi bật với nhãn hiệu bia Ganzberg. Sau khi FOUR PAWS thông tin tới công ty này về vai trò của họ trong việc thúc đẩy hoạt động buôn bán tàn nhẫn, và đầy rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, Ganzberg đã hành động ngay lập tức bằng cách tháo dỡ hàng trăm biển quảng cáo của họ bên ngoài các nhà hàng phục vụ thịt chó. Hơn nữa, công ty đã tuyên bố công khai rằng họ không ủng hộ việc tiêu thụ thịt chó, và cam kết sẽ tiếp tục làm việc với FOUR PAWS để xác định và loại bỏ bất kỳ biển quảng cáo nào còn sót lại. |