Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường, rừng được bảo vệ tốt hơn, giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; dân nghèo có việc làm, thêm thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo; bảo vệ nguồn nước cho các thủy điện, góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh, chống biến đổi khí hậu… Tuy vậy, để thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng, cần hoàn thiện chính sách pháp lý nhằm bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng…
Trở thành nguồn tài chính bền vững
Đánh giá 10 năm ảnh hưởng chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng ở Việt Nam, GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng. Nhờ việc thực hiện chính sách, diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng từ gần 1,4 triệu hécta (năm 2011) đã tăng trên 6,8 triệu hécta (năm 2020), trong đó rừng đặc dụng chiếm 18,8%, rừng phòng hộ 40,5%, rừng sản xuất 40,7%.
Theo GS.TS. Trần Văn Chứ, đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả chính sách đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng.
Ông Nguyễn Chiến Cường – đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) cho biết, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP. Trong 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Nhờ đó, bảo đảm sinh kế cho người dân, ở nơi nào được hỗ trợ thì tỷ lệ phá rừng giảm.
Đơn cử tại Kon Tum, đến nay toàn tỉnh này đang quản lý bảo vệ hơn 387.780ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chiếm khoảng 64,4% tổng diện tích rừng toàn tỉnh). Hàng năm, nhờ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thu được hàng trăm tỷ đồng để chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng có nguồn kinh phí chủ động bảo vệ rừng, góp phần tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để các chủ rừng yên tâm bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời giúp người dân trên địa bàn, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Sớm tháo gỡ những khó khăn
Mặc dù đạt nhiều kết quả trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, song từ thực tiễn triển khai khảo sát, đánh giá tác động của PFES, Đại diện Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) Phạm Thu Thủy cũng nhìn nhận: Khảo sát của CIFOR tại các địa phương như Sơn La, Huế, Đắk Lắk, Vườn Quốc gia Cát Tiên cho thấy, việc không thực thi pháp luật về gìn giữ, bảo vệ rừng vẫn phổ biến.
Thực tế có nhiều hộ nhận tiền hỗ trợ dịch vụ chi trả môi trường rừng nhưng vẫn làm mất rừng. Đơn cử ở Sơn La, Đắk Lắk… trong 10 năm qua, 100% số người dân vẫn nhận tiền, song diện tích rừng lại giảm do người dân không bảo vệ rừng tốt. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người dân nhận được tiền PFES bị đứt quãng, không trở thành nguồn thu thường xuyên nên người dân không có động lực.
Trong 10 năm qua, dịch vụ môi trường rừng có tác động lớn, thu hút được đông đảo người dân ở khu vực Cát Tiên tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đối tượng được hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng là hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng.
Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên Phạm Hồng Lượng |
Ông Nguyễn Chiến Cường nêu thêm thực tế, thu dịch vụ môi trường rừng còn một số khó khăn, tồn tại như: Một số loại dịch vụ môi trường rừng chưa có quy định thu như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cácbon; mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với giá trị dịch vụ môi rừng tạo ra như chỉ 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch; có sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực vì phụ thuộc vào người sử dụng môi trừng rừng và vị trí lưu vực…
Đó là chưa kể các khó khăn xuất phát từ những quy định của pháp luật liên quan, chẳng hạn Luật Lâm nghiệp năm 2017 không còn thừa nhận tư cách chủ rừng của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên xã, bản được giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và rừng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, gây khó khăn trong việc xác định, thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng.
Khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng, giai đoạn 2021 – 2030, Nhà nước cần có giải pháp phù hợp để thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng. Cơ chế dịch vụ môi trường rừng cũng cần được triển khai đồng thời với chương trình phát triển sinh kế. Cụ thể, cần hoàn thiện chính sách nhằm bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trưởng rừng; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách phát triển rừng trồng một cách hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đặc thù mỗi địa phương…