Ngày 10/12, tổ chức Traffic (tổ chức mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động thực vật hoàng dã) tại Việt Nam tổ chức lễ phát động Dự án marketing xã hội, kéo dài trong 3 năm, với mục đích nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ.
Lĩnh vực y học cổ truyền là đối tác chính của Dự án với trọng trách thúc đẩy cộng đồng y học cổ truyền chấm dứt việc kê đơn trái phép các loài động vật hoang dã được bảo vệ cũng như khuyến khích việc sử dụng những dược liệu thay thế hợp pháp khác.
TS. Trần Xuân Nguyên, Trưởng Ban Chuyên môn, Trung ương Hội Đông Y Việt Nam cho biết, Trung ương Hội ủng hộ Dự án này như một nỗ lực tích cực nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín và sự phát triển bền vững của nền y học cổ truyền vì sự phát triển của Việt Nam.
Các hành vi buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ hổ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái loài. Tuy nhiên, kết quả từ cuộc khảo sát người tiêu dùng do tổ chức Traffic tại Việt Nam thực hiện năm 2017 cho thấy, 6% số người tham gia khảo sát đã sử dụng các sản phẩm từ hổ và 64% trong số họ khẳng định họ sẽ khuyến khích người khác sử dụng các sản phẩm này. Cao hổ cốt được xem là chế phẩm được tiêu dùng nhiều nhất và cũng là sản phẩm mục tiêu mà Dự án này hướng đến giảm nhu cầu sử dụng.
Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những chuyển biến tích cực đối với tương lai của loài hổ. Dự án này không chỉ giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ mà còn hình thành và khuyến khích sự quyết tâm và tinh thần lãnh đạo tiên phong giải quyết vấn nạn toàn cầu này.
Dự án này do Chính phủ Anh tài trợ thông qua Quỹ Chống buôn bán trái phép động vật hoang dã – Illegal Wildlife Trade Challenge Fund. Mục tiêu của Dự án, đến tháng 12/2023, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ do người sử dụng tự thừa nhận giảm đến 30% tại Việt Nam qua các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, góp phần giảm tình hình buôn bán trái phép các sản phẩm này.