Vai trò của rừng trong việc bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề thời sự và được sự quan tâm của toàn thế giới. Không có một dân tộc, một quốc gia nào không biết rõ vai trò quan trọng của rừng trong cuộc sống.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới.
Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán… Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.
Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Nhưng, tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn ở mức báo động. Nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang bị suy giảm trầm trọng.
Một minh chứng qua các số liệu của UNEP, rằng việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Khi chúng ta đầu tư 30 triệu đô la cho việc chống phá rừng và suy thoái rừng thì chúng ta có thể nhận được 2,5 tỷ đô la từ các sản phẩm và dịch vụ mà nó mang lại.
Nhưng, những nguồn lợi trước mắt đã khiến con người lao vào những cuộc phá rừng để sinh tồn. Nhiều nơi, con người đã không bảo vệ được rừng, tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, thậm chí rừng không thể tái sinh, đất trở thành đồi trọc, sa mạc.
Việt Nam coi rừng là một nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế – xã hội và hạnh phúc của cộng đồng trên đất nước. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước. Lâm sản và lâm sản ngoài gỗ cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng. Rừng cũng có một vai trò xã hội, góp phần tạo việc làm và thu nhập. Hiện nay, khoảng 25 triệu người Việt Nam có 20% – 40% thu nhập hàng năm đến từ rừng. Vai trò của rừng cũng được thể hiện ở vùng sâu vùng xa, vùng cao nơi 10% dân cư sống bên trong hoặc gần các khu rừng (diện tích xấp xỉ 12 triệu héc-ta) là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số.
Rừng quan trọng như thế, song tình trạng phá rừng ở Việt Nam vẫn ở cấp báo động đỏ. Chúng ta đã nói, đã phát hiện rất nhiều vụ việc phá rừng,… rất nhiều quan chức, rất nhiều cấp, nhiều ngành đã “vào cuộc”, đã tổ chức những đợt phát động này nọ rầm rộ… Và tất nhiên, những câu chữ “đẹp” nhất, “có vẻ” nghiêm minh nhất cũng đã được sử dụng. Vậy mà cái đích cuối cùng là giữ rừng, phát triển rừng thêm xanh, để dành tài nguyên cho đời sau… thì lại bị bỏ ngỏ.
Tôi vừa đọc một bài báo về câu chuyện giữ rừng, phát triển rừng để cứu những dòng sông. Dù chỉ là một vế của vấn đề, những lại là điều cốt lõi không thể thiếu.
Bởi, những dòng sông đều bắt đầu từ những cánh rừng.
Mất rừng, nước sông cũng vơi dần.
Mất rừng, những vùng đất phì nhiêu để người dân canh tác sẽ dần mất đi.
Sẽ không phải là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh.
Chúng ta vẫn phải thẳng thắn mà nói rằng, những thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới ngày một trầm trọng (trong đó “đóng góp” lớn của tình trạng phá rừng) là rất lớn.
Giữ những cánh rừng xanh ngát, để nuôi những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa, tắm mát cho bao vùng đất trù phú – ấy là nguồn sống để chúng ta phát triển trong một môi trường xanh sạch – bền vững – thịnh vượng!