Tại sự kiện công nghệ quốc gia Techfest 2020, Dự án Sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức ra mắt, hướng tới xây dựng một sàn giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt: tín chỉ các-bon, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh. Để hiểu rõ hơn về loại hình giao dịch mới này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Nguyên – đơn vị triển khai Dự án.
PV: Sàn giao dịch tín chỉ các-bon là một khái niệm mới ở Việt Nam. Vì sao Dự án lại lựa chọn tín chỉ các-bon là mặt hàng đưa vào giao dịch, thưa ông?
Ông Vũ Trung Kiên:
Thực tế, tín chỉ các-bon đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay, khi Việt Nam triển khai các Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto, và gần đây là một số dự án hợp tác với đối tác quốc tế để trao đổi tín chỉ phát thải như Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Dự án khí sinh học trong chăn nuôi…
Rõ ràng Việt Nam sản xuất được tín chỉ các-bon và đã bán được, nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Bởi vậy, chúng tôi muốn xây dựng một sàn giao dịch mà trong đó thể hiện tổng thể những giao dịch tín chỉ các-bon của Việt Nam, có bên mua, bên bán. Mục tiêu nhằm thể hiện những nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời, tạo sân chơi để khối doanh nghiệp có thể cùng tham gia với nỗ lực của Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thông qua đây để đánh giá về thị trường cũng như có một công cụ hỗ trợ quản lý các giao dịch tín chỉ của Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam?
Ông Vũ Trung Kiên:
Từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua. Như vậy, doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, chắc chắn chi phí không hề nhỏ.
Đối tượng mua đầu tiên là những hãng hàng không, bởi từ năm sau, những nước hãng hàng không phải tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp các-bon (CORSIA) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, và theo quy định của Liên minh châu Âu. Ví dụ như máy bay bay qua không phận châu Âu phải đạt mức các-bon cân bằng (carbon neutral) theo quy định của EU nếu không muốn phải chịu mức phạt khá cao. Nếu không thể giảm phát thải, họ có thể mua tín chỉ các-bon để bù đắp lượng phát thải của mình. Nhìn chung, thị trường bắt buộc sẽ tiến trước và lực hút được đo đếm bằng cam kết giảm phát thải của Việt Nam. Thị trường tự nguyện có thể “đủng đỉnh” hơn.
Nhưng tín chỉ các-bon là loại hàng hóa mang tính quốc tế từ bản chất và từ quy định quốc tế, cao nhất là Thỏa thuận Paris. Cũng như Việt Nam, 2021 là thời điểm các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc giảm phát thải và kéo theo nhu cầu tín chỉ khá lớn. Thị trường không chờ đợi và chắc chắn sẽ xuất hiện những giao dịch quốc tế tự phát như hiện nay đã có. Những dự án tiềm năng là CDM, hoặc sáng kiến REDD+. Về mặt nguyên tắc, các dự án REDD+ ở Việt Nam không thực hiện ghi nhận tín chỉ các-bon nhưng quốc tế vẫn có những cách để quy đổi.
Bên cạnh đó, một loại hàng hóa tiềm năng khác là hạn ngạch phát thải do cơ quan Nhà nước giao cho các doanh nghiệp, đơn vị. Điều này cũng đã có trong Luật Bảo vệ môi trưởng (sửa đổi) và thời gian tới cần thêm các quy định pháp lý cụ thể để mua bán được. Trái phiếu xanh cũng đang được Chính phủ nghiên cứu phát hành. JCM cũng sẽ có những đơn vị quy đổi để giao dịch.
PV: Dự án sẽ có những hoạt động gì để ghi nhận thông tin các bên mua và bán, cũng như chứng thực các tín chỉ này trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Vũ Trung Kiên:
Dự kiến trong vòng 1 năm tới, vào cuối năm 2021, sàn sẽ bắt đầu thực hiện các giao dịch. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để họ thấy được lợi ích khi tham gia mua bán tín chỉ các-bon. Chúng tôi cũng cập nhật thông tin các bên đang tạo nguồn tín chỉ lên sàn, những giao dịch họ đã có. Ví dụ như ERPA, bên mua là Ngân hàng Thế giới – một trong những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới. Điều này giúp gây dựng nên uy tín cho tín chỉ của Việt Nam và thể hiện giá trị và sự cam kết của Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Sàn chỉ là nơi thể hiện giao dịch chứ không có chức năng đăng ký chứng thực. Chúng tôi sẽ ưu tiên các tín chỉ đã có xác nhận của cơ quan Nhà nước, hoặc một tổ chức quốc tế. Tôi cũng không tham vọng Dự án sẽ tập hợp được tất cả các giao dịch ở Việt Nam nhưng cần có một nơi để khách hàng có nhu cầu tìm đến. Có thị trường sẽ giúp tín chỉ của Việt Nam dễ trao đổi, mua bán hơn.
PV: Việc phát triển thị trường các-bon trong nước gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Vũ trung Kiên:
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có những quy định về việc xây dựng và phát triển thị trường, nhưng những cơ chế cụ thể còn chưa được ban hành, khuôn khổ luật pháp cao nhất cho giao dịch là Luật Bảo vệ môi trường tự do đã cũng có nhưng cũng cần phải chi tiết thêm nữa bằng Nghị định, Thông tư và các hướng dẫn. Các công cụ thị trường thì thế giới có sẵn rồi, Việt Nam có thể dựa vào để xây dựng thành công cụ phù hợp với thị trường Việt Nam.
Việc công nhận tín chỉ các-bon như một loại hàng hóa và tài sản sẽ là một phần mới của Luật. Về mặt bản chất, ngoài Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn cần những luật khác công nhận điều này. Hiện nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ các-bon vẫn còn phụ thuộc vào các bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam còn khá mờ nhạt. Dự án sàn giao dịch tín chỉ các-bon được kỳ vọng sẽ cải thiện vấn đề này trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!