Vừa qua sau khi tiến hành kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế), Ðoàn công tác của Bộ Công thương đã xác định được nhiều vi phạm.
Ðó là nhà máy đã thực hiện không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm a khoản 3 Ðiều 16 Nghị định số 134/2013/NÐ-CP; không thực hiện quan trắc quy định tại điểm c khoản 3 Ðiều 16 Nghị định số 134/ 2013/NÐ-CP;… Dựa trên kết quả này, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Ðầu tư thủy điện miền trung Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy) 130 triệu đồng. Ðồng thời, đến ngày 27-11, Cục Ðiều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của công ty này đối với phát điện của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Theo báo cáo, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở quy mô khác nhau, dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3, đóng góp công suất khoảng 20 nghìn MW, chiếm 37% tổng công suất nền, công suất phát của đất nước. Ðây là nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm thấp, độ phát thải nhà kính gần như không có. Mặt khác, hồ chứa nước của các đập thủy điện cũng đóng góp cho việc tích nước, cắt giảm và điều tiết lũ cũng như phục vụ một số nhu cầu phát triển khác của các địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các dự án thủy điện cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như đời sống dân sinh. Song song quá trình phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, chúng ta lại chưa có biện pháp thích hợp để loại bỏ những dự án kém hiệu quả, nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, dẫn tới những hậu quả như mất rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước hạ du,… Ðặc biệt, còn có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Thậm chí, có những thủy điện đã không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai cũng như quy trình vận hành hồ chứa của các địa phương.
Trước những lo ngại nêu trên, Bộ Công thương cho biết, công tác phát triển thủy điện nói chung cũng như quản lý về an toàn của đập, hồ thủy điện và sự vận hành của các công trình thủy điện đã luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong những năm qua. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ, ngành liên quan không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện có sử dụng đến diện tích đất rừng; đồng thời, từ việc xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa đã đưa ra khỏi quy hoạch hàng trăm dự án thủy điện cũng như loại bỏ hơn 200 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện. Liên quan đến vận hành của các đập thủy điện và an toàn hồ, đập, hiện có hàng loạt các công cụ pháp lý từ Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Môi trường, Luật Ðiện lực và Luật Phòng, chống thiên tai, bão lũ,…
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá tổng thể lại hoạt động của các thủy điện, từ đó có căn cứ báo cáo Chính phủ để đưa ra biện pháp tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện. Mong rằng, với những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, cùng động thái cương quyết xử lý các vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước, việc phát triển thủy điện và quản lý về an toàn hồ, đập thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân, đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên này.