Không quốc gia nào – dù giàu hay nghèo – tránh khỏi những tác hại đối với sức khỏe của biến đổi khí hậu, theo Báo cáo Lancet Countdown on Health and Climate Change năm 2020.
Và nếu không thực hiện những hành động cấp thiết, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đe dọa sức khỏe của toàn thế giới, phá hoại cuộc sống và sinh kế người dân, và làm quá tải các hệ thống y tế, Báo cáo nhận định.
Từ các hòn đảo nhỏ đến các thành phố lớn, biến đổi khí hậu có thể gây ra những cú sốc sức khỏe trong tương lai. Hậu quả bao gồm tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở những người có thể trạng yếu, điển hình như vào năm 2018 đã có 296.000 người cao tuổi tử vong liên quan đến nắng nóng. Sinh kế cũng và năng suất làm việc ngoài trời của con người ở những khu vực đang phát triển cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do nắng nóng, với 302 tỷ giờ làm việc bị thất thoát trong năm 2019.
Nhiệt độ tăng và tần suất các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng dày còn đe dọa an ninh lương thực toàn cầu – tiềm năng sản lượng của các loại cây trồng chính trên thế giới đã giảm 1,8 – 5,6% từ năm 1981 đến nay.
Nắng nóng và hạn hán đồng thời làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, dẫn đến bỏng, tổn thương tim và phổi do khói, và cộng đồng dân cư mất nơi cư trú. Khoảng 128 quốc gia có số người bị ảnh hưởng từ cháy rừng ngày càng tăng kể từ đầu những năm 2000, trong đó Mỹ có mức độ tăng nhanh nhất.
Thêm vào đó, báo cáo chỉ ra, vào cuối thế kỷ này, mực nước biển dâng dự kiến có thể đe dọa cuộc sống của 565 triệu người, buộc họ phải di dời và gặp hàng loạt tổn hại về sức khỏe.
Bài xã luận được xuất bản trên Lancet cùng với báo cáo mới nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có chung các tác nhân, khiến chúng liên hệ chặt chẽ với nhau và do đó chúng phải được phối hợp xử lý cùng lúc. Biến đổi khí hậu với các tác nhân huỷ hoại môi trường thông qua quá trình đô thị hóa, nông nghiệp thâm canh và hệ thống lương thực không bền vững, vận tải hàng không và du lịch, thương mại và lối sống phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, quay trở lại tạo điều kiện gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Báo cáo Lancet Countdown cũng giải thích, biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm chết người lây lan, như sốt xuất huyết, sốt rét và bệnh do vi khuẩn vibrio… 2/3 số thành phố trên toàn cầu được khảo sát tin rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng y tế công cộng.
Trong khi đó, theo dữ liệu mới trong báo cáo Lancet Countdown, năng lực đối phó với những cú sốc sức khỏe trong tương lai của y tế thế giới vẫn còn yếu kém. Mới có một nửa trong số 86 quốc gia được khảo sát đã lên các kế hoạch về khí hậu và y tế quốc gia, và chỉ có bốn quốc gia báo cáo có ngân sách quốc gia tương xứng.
GS Hugh Montgomery, đồng chủ tịch của Nhóm Tracking Progress on Health and Climate Change và là bác sĩ chăm sóc hồi sức tại University College London (UCL), bình luận: “Hỏa hoạn, lũ lụt và nạn đói không phân biệt biên giới quốc gia hay ngân sách: sự giàu có của một quốc gia không thể bảo vệ quốc gia đó khỏi những tác động đến sức khỏe khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,2 độ C.”
Nhóm Lancet Countdown Tracking Progress on Health and Climate Change tập hợp hơn 120 chuyên gia hàng đầu từ các tổ chức học thuật và các cơ quan của Liên hợp quốc trên toàn cầu. Nhóm được hỗ trợ tài chính bởi Quỹ Wellcome và do University College London (UCL) điều hành.
Mỗi năm, Nhóm công bố báo cáo trên tạp chí y khoa The Lancet trước thềm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Dữ liệu của Lancet Countdown nhằm cho thấy rõ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, và các hệ lụy nếu không hành động kịp thời. |