Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Năm 2020, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ sạt lở núi kinh hoàng, làm chết và mất tích hàng chục người. Cùng với thiên tai thì tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép… cũng là nguyên nhân gây sạt lở.
Gần 40 ngày xảy ra các vụ sạt lở đất trên địa bàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, hiện còn 4 người đang mất tích do 2 vụ sạt lở núi; trong đó khu vực sạt lở thôn 3 có 3 người, khu vực sạt lở thôn 6 có 1 người.
Trước đó, tại xã Phước Thành, huyện Phước Lộc, xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng do lũ quét bất ngờ tràn về. Sáng 6/11, địa bàn xã có mưa lớn, nước trên đầu nguồn kèm theo bùn đất đổ xuống thôn 2 bất ngờ khiến người dân rời nhà cửa tháo chạy. Rất may không bị ảnh hưởng về người, còn hơn 20 ngôi nhà của người dân bị lũ quét hư hỏng, cuốn theo dòng nước dữ. Toàn xã có gần 2.000 người bị cô lập hơn 10 ngày mới nối lại liên lạc và chi viện lương thực, thực phẩm cho người dân được.
Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm Phước Sơn, trong năm 2020, tình trạng lũ quét, lũ ống; sạt lở đất, đá diễn ra tàn khốc hơn và gây hậu quả đau lòng mặc dù diện tích rừng bị xâm hại đã giảm so với năm ngoái.
Hạt Kiểm lâm Phước Sơn cho biết, năm 2020, Hạt đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3 đợt tuần tra, truy quét khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Phước Đức, Phước Xuân, Phước Thành, Phước Hiệp và Phước Kim. Phá huỷ hàng chục máy nổ, máy hơi, máy xay đá, cưa lốc và nhiều lán trại dựng trái phép khác. Đây là những vật dụng nhằm phục vụ cho việc khai thác vàng, gỗ trái phép trên các vùng đồi núi.
Hạt và các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập biên bản 65 vụ gỗ khai thác trái phép, trong đó có 33 vụ vô chủ; tang vật thu giữ gần 41 m3 gỗ xẻ, 25,7m3 gõ tròn, 7 xe ô tô, 4 xe máy, 3 cưa xăng… Qua đó, đã xử lý hình sự 6 vụ nghiêm trọng, xử phạt vi phạm hành chính 59 vụ; trong đó có 13 vụ phá rừng, 29 vụ tàng trữ lâm sản trái phép…
Riêng Công an huyện Phước Sơn phát hiện và lập hồ sơ xử lý 3 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tạm giữ 3 xe ô tô, 2,8m3 gỗ xẻ, xử phạt hành chính 2 vụ với số tiền 15,8 triệu đồng.
Liên quan đến vụ phá rừng với nhiều cây gỗ to bị cưa hạ trái phép tại xã Phước Thành, theo báo cáo ngày 7/10/2020, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam, hiện trường vụ khai thác rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 720, Phước Thành. Qua kiểm tra ban đầu có 11 cây gỗ bị cưa hạ trái phép, với khối lượng còn tại hiện trường gồm 21,9m3 gỗ tròn và 0,16m3 gỗ xẻ; chủ yếu là gỗ vàng kiêng, giẻ đỏ, mít nài, giẻ trắng, trám trắng, chò (thuộc nhóm V đến nhóm VII).
Điều đáng nói, khu vực rừng bị chặt hạ cách lán trại mỏ vàng Khe Tăng của Công ty TNHH Phước Minh (có trụ sở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) khoảng 300 m. Để vào được nơi phá rừng phải đi theo con đường độc đạo vào mỏ vàng. Trên đường này, công ty dựng hai cổng gác chắn, lập barie có người canh gác ngày đêm, cấm người ngoài xâm nhập.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Phước Sơn yêu cầu xác minh làm rõ, điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 5, tiểu khu 720 (xã Phước Thành) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn quản lý và Tổ chuyên trách cộng đồng thôn 2 (xã Phước Thành) nhận bảo vệ.
Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn vừa có quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an Phước Sơn tiếp tục điều tra để xử lý theo thẩm quyền.
Theo người dân xã Phước Thành, trước đây do lo ngại việc phá rừng tự nhiên sẽ dẫn đến nguy cơ sạt lở, lũ quét nên bà con đã phản ứng việc mở đường lên phía đầu nguồn của Công ty Phước Minh. Công ty Phước Minh được phép mở một con đường độc đạo dài hơn 10km từ trung tâm xã Phước Thành lên bãi vàng khe Tăng, bãi Cao…
Thực tế, đến nay xảy ra sạt lở, lũ quét nhiều gây sập, cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân cũng như công trình hạ tầng cơ sở của Nhà nước tại khu vực trung tâm xã Phước Thành.
Người dân ở xã Phước Thành và huyện Phước Sơn mong muốn cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra để đưa ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chứ không thể “đổ vấy” cho thiên tai hoặc nhân dân sở tại được.