Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và một số Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thuộc khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực chuẩn bị cho cuộc kiểm toán về hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, dự kiến triển khai vào năm 2021.
Thông qua cuộc kiểm toán, các Cơ quan kiểm toán tối cao mong muốn chỉ rõ những thách thức ảnh hưởng đến an toàn nguồn nước tại đây, từ đó có những kiến nghị với các nước liên quan về việc đảm bảo đủ nguồn nước cho dòng sông Mê Công, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân. Đây là hành động hợp tác thiết thực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhằm tăng cường kiểm toán đối với lĩnh vực môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng.
Ô nhiễm nguồn nước ở mức đáng báo động
Hiện nay, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường, trong đó tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang trực tiếp gây ra những ảnh hưởng và hệ lụy khôn lường đến phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là sức khỏe của người dân. Thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm, điển hình như nguồn nước lưu vực sông Mê Công từng được các Cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á, trong đó có Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra qua cuộc kiểm toán các vấn đề về nước lưu vực sông Mê Công (do Cơ quan kiểm toán tối cao Thái Lan chủ trì, thực hiện trong giai đoạn 2012-2013).
Kết quả kiểm toán cho thấy, ở phạm vi quốc gia, hệ thống chính sách, pháp luật cũng như việc tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông Mê Công nói riêng còn nhiều bất cập dẫn đến thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý, thiếu quy hoạch, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, phát triển bền vững đã trở thành vấn đề xuyên quốc gia, không còn thuộc về từng quốc gia riêng lẻ. Trong khi đó, Hiệp định Hợp tác sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát sinh từ các hoạt động khai thác, sử dụng nước quá mức, đặc biệt là sự phát triển mạnh của các đập thủy điện ở lưu vực thượng lưu và hạ lưu trên dòng chính.
Cũng theo Báo cáo đánh giá do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam – Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 – trình bày tại Cuộc họp trực tuyến Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55: Đến nay, thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn về các vấn đề an sinh xã hội, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, xâm hạn mặn… Đặc biệt, trong vài năm gần đây, những vùng đất thuộc lưu vực sông Mê Công ở vùng hạ nguồn liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường… do biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, dòng chảy bị sụt giảm. Việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Công cũng là nguyên nhân chính làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Khánh Hòa, vấn đề môi trường đang là một trong những vấn đề “nóng” tại Việt Nam và bài toán về phát triển kinh tế nhanh nhưng đảm bảo bền vững được Quốc hội, Chính phủ cũng như người dân đặc biệt chú ý. Do đó, những năm qua, các chủ đề kiểm toán môi trường được lựa chọn đảm bảo tính thời sự, tập trung vào những vấn đề đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận như: Việc quản lý và xử lý nước thải, chất thải tại các khu công nghiệp hay các vấn đề môi trường, nguồn nước tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mang lại nhiều giá trị thiết thực.
Bảo vệ môi trường nước ở Việt Nam – đóng góp của Kiểm toán Nhà nước
Trước năm 2015, hoạt động kiểm toán môi trường chủ yếu được Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, chương trình mục tiêu hoặc dự án đầu tư. Kết quả các cuộc kiểm toán trên đã chỉ ra những bất cập, hạn chế liên quan đến việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong lĩnh vực môi trường như: Công tác triển khai, xây dựng các dự án môi trường chậm làm giảm hiệu quả của các chương trình; cơ chế quản lý chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tác động tiêu cực từ các công trình hai bên bờ sông Mê Kông…
Từ năm 2015 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường dưới hình thức kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ ra những hạn chế và bất cập, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật cũng như cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý để có kiến nghị phù hợp, kịp thời.
Một số chủ đề kiểm toán môi trường đã thực hiện với kết quả tốt như: Kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải tại khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) năm 2016; Khu Công nghiệp Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) năm 2017…
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, còn trường hợp nhà máy xử lý nước thải không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả thải, chất lượng nước thải không ổn định, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng so với quy định; đa số người dân sống tại thôn, xã phản ánh nước thải Khu Công nghiệp ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp còn vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như quản lý bùn thải không đúng quy định; chất lượng nước mặt vượt ngưỡng quy định; chất lượng nước thải không ổn định, mẫu nước thải thử nghiệm có thông số phân tích vượt so với các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải hiện hành…
Trong khi đó, các biện pháp quản lý nhà nước về nước thải công nghiệp còn chưa đồng bộ, khoa học, quyết liệt, chặt chẽ, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện và ngăn ngừa triệt để các hành vi vi phạm; ban hành văn bản còn thiếu tính thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.
Cuộc kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2018 đã chỉ rõ việc chưa xây dựng các cơ chế, chính sách xử lý nước thải, chất thải rắn.
Hoạt động đầu tư nhà máy chất thải, nước thải còn gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư; một số dự án chậm tiến độ hoặc công nghệ đề xuất của nhà đầu tư là công nghệ cũ…
Kiểm toán môi trường, đặc biệt là kiểm toán nguồn nước đang đóng vai trò quan trọng, thông qua đó, cơ quan kiểm toán sẽ làm rõ những thách thức cũng như đề ra giải pháp để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước trước tình trạng ô nhiễm hiện nay.
Về quy trình của kiểm toán nguồn nước, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Khánh Hòa cho biết, ngay từ khâu khảo sát lập kế hoạch kiểm toán, các đoàn khảo sát cần tập trung thu thập thông tin đầy đủ, cụ thể, chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và các bộ phận thuộc đơn vị, quy trình quản lý, tổ chức thực hiện hoặc gồm cả thông tin từ các bên có liên quan để có đầy đủ cơ sở xác định trọng yếu, đánh giá rủi ro, từ đó xác định được nội dung, mục tiêu, tiêu chí kiểm toán, xây dựng phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp với chủ đề kiểm toán, có tính khả thi để thực hiện.
Bên cạnh việc nghiên cứu văn bản, thu thập thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi công văn đề nghị đơn vị báo cáo, các đoàn kiểm toán cần thực hiện khảo sát trực tiếp tại một số đơn vị để tìm hiểu quy trình quản lý và việc tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường; qua đó lựa chọn các hoạt động trọng yếu và có rủi ro cao để kiểm toán, đồng thời xác định được các đơn vị kiểm toán tương ứng và nội dung cụ thể tại từng đơn vị.
Đặc biệt, kiểm toán môi trường nói chung, kiểm toán nguồn nước nói riêng thường liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị ở cả khối công lập, tư nhân và mỗi cuộc kiểm toán sẽ có những đặc thù về tổ chức quản lý khác nhau. Theo đó, việc xác định đúng, đầy đủ các đầu mối kiểm toán để thu thập bằng chứng thích hợp, đầy đủ là vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định đến sự thành công của cuộc kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III là đơn vị được Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam giao chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác: “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” trong năm 2021 cùng với một số SAI khu vực Đông Nam Á.
Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III Đinh Văn Dũng nhận định, để thực hiện được mục tiêu của cuộc kiểm toán này, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường như: đầu mối kiểm toán, hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán… đóng vai trò quan trọng giúp kiểm toán viên lựa chọn chủ đề, xác định trọng yếu, rủi ro, xây dựng nội dung, tiêu chí kiểm toán có căn cứ, mang tính khả thi cao.
Thực tế hiện nay, cơ sở dữ liệu, đầu mối về kiểm toán môi trường nói chung, kiểm toán nguồn nước nói riêng chưa hoàn thiện, dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc lựa chọn chủ đề, đơn vị được kiểm toán. Đây cũng chính là vấn đề cần được giải quyết đối với cuộc kiểm toán hợp tác lần này.