“Cuộc chiến nguồn nước” giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng nhiệt

New Delhi muốn đáp trả siêu đập của Trung Quốc bằng dự án thủy điện trên sông Brahmaputra – phần chảy trên lãnh thổ Ấn Độ của dòng Yarlung Zangbo bắt nguồn ở Tây Tạng.

Đối đầu ở biên giới trên dãy Himalaya còn chưa hạ nhiệt, nguồn nước trở thành điểm nóng mới trong quan hệ Trung – Ấn.

Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau, thiếu minh bạch và cạnh tranh chiến lược đã đào sâu bất đồng giữa hai nước xoay quanh cách quản lý nguồn nước trên sông Brahmaputra – một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, chảy qua lãnh thổ 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.

Dòng sông dài hơn 2.800 km khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc với tên gọi Yarlung Zangbo, trước khi chảy vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ rồi mở rộng xuống Bangladesh và đổ ra Vịnh Bengal.

Đập thủy điện Zangmu của Trung Quốc tại Tây Tạng, nằm ở phần thượng nguồn sông Brahmaputra/Yarlung Zangbo. Ảnh: India Today.

Tháng 11, Trung Quốc đã công bố ý định xây đập thủy điện lớn nhất từ trước đến nay với công suất gấp 3 lần dự án thủy điện lớn nhất thế giới – đập Tam Hiệp trên dòng Trường Giang. Dòng Brahmaputra/ Yarlung Zangbo có thể là nơi xây đập.

Mối lo trước đập thủy điện lớn nhất lịch sử

Yan Zhiyong, chủ tịch Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (PCPC), tuyên bố siêu dự án thủy điện trên dòng Yarlung Zangbo có thể tạo ra 70 triệu kWh và “không dự án nào trong lịch sử sánh bằng”, theo Global Times.

Bắc Kinh vẫn chưa công bố vị trí dự kiến xây dựng siêu dự án. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, giới chức Trung Quốc đã gửi các tín hiệu cho thấy họ muốn xây đập ngay gần đoạn sông chuyển hướng đột ngột xuống phía nam, chảy vào bang Arunachal Pradesh phía đông bắc Ấn Độ.

Dư luận Ấn Độ lo ngại dự án với quy mô chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh nguồn nước và an ninh lương thực quốc gia. Giới chuyên gia còn cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh “vũ khí hóa nguồn nước” vì họ kiểm soát được lưu lượng dòng chảy, đủ khả năng tạo ra hạn hán hoặc lũ lụt nhân tạo.

Chỉ 2 ngày sau bài viết trên Global Times, New Delhi thông báo ý định xây dựng một dự án thủy điện của riêng mình trên dòng Brahmaputra. Một quan chức Bộ Thủy lợi Ấn Độ giải thích dự án này nhằm “hạn chế tác động tiêu cực từ những con đập của Trung Quốc”, theo Reuters.

Giới phân tích cảnh báo cuộc đua đập thủy điện trên dòng Brahmaputra/Yarlung Zangbo có thể leo thang vượt tầm kiểm soát. Hệ quả của “cuộc chiến nguồn nước” có thể ảnh hưởng không chỉ Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn cả quốc gia hạ nguồn là Bangladesh.

“Xung đột biên giới, sự bí ẩn và nỗ lực giữ bí mật về các dự án đập, tình trạng thiếu thông tin khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn cần thiết”, B.R. Deepak, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ, nhận định.

Lũ lụt thường xuyên xảy ra dọc theo dòng Brahmaputra trên lãnh thổ Ấn Độ gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: DNA India.

Ấn Độ hoài nghi thận trọng

Ngày 3/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo nước này đang “theo dõi thận trọng mọi diễn biến” ở khu vực sông Brahmaputra/Yarlung Zangbo. Người này nhấn mạnh New Delhi đã liên tục chia sẻ quan điểm và các quan ngại với nhà chức trách Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh đảm bảo lợi ích của quốc gia hạ nguồn không chịu phương hại bởi hoạt động ở thượng nguồn.

Trong khi đó, theo giới phân tích, phản ứng công khai của New Delhi chưa thể hiện hết mức độ quan ngại tại Ấn Độ đối với dự án thủy điện Trung Quốc. Truyền thông tại Ấn Độ đang gọi dự án trên dòng Brahmaputra/Yarlung Zangbo là “siêu đập thủy điện”.

Sayanangshu Modak, chuyên gia về quản trị nguồn nước xuyên biên giới và quản lý rủi ro lũ lụt, khẳng định quốc gia Nam Á sẽ chịu nhiều hệ lụy nếu Bắc Kinh xúc tiến dự án thủy điện này.

“Khu vực thường xuyên có những vụ sạt lở và dễ xảy ra thảm họa vì có nhiều hoạt động địa chất. Nếu tai nạn xảy ra và vỡ đập, sẽ có thiệt hại khôn lường. Tuy nhiên, Trung Quốc không mất gì cả vì dự án nằm ở vị trí dòng sông rời khỏi Trung Quốc. Nó chỉ ảnh hưởng đến Ấn Độ nằm ở hạ nguồn”, ông đánh giá.

Modak đồng thời lo ngại Trung Quốc có thể “gây ra lũ lụt cho hạ nguồn” vì họ kiểm soát dòng chảy và có thể xả nước đột ngột.

Theo một nghiên cứu của Đại học Hải chiến Mỹ, mối lo ngại về dự án thủy điện khổng lồ có thể là một phần chiến thuật “tâm lý chiến” của Bắc Kinh. Nhờ kiểm soát dòng chảy bằng xây đập và nắn dòng, Trung Quốc nắm giữ khả năng “bóp nghẹ nguồn cung lương thực của láng giềng lớn nhất”. Dòng Brahmaputra có vai trò to lớn đối với hoạt động nông nghiệp tại đông bắc Ấn Độ.

“Một khi những con đập được xây dựng, mối đe dọa tạo ra khổ sở cho người dân Ấn Độ và Bangladesh – bằng cách giảm dòng nước và nguy cơ thiếu hụt lương thực – sẽ ẩn sau mọi yêu sách từ Bắc Kinh”, bài nghiên cứu của Đại học Hải chiến Mỹ cảnh báo đây là “mối đe dọa sống còn” đối với Ấn Độ.

Theo tướng Ấn Độ về hưu Deepak Sinha, chiến thuật vũ khí hóa nguồn nước và dòng chảy sông ngòi không hề lạ trong binh lược. Tuy nhiên, điều này không còn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

“Đối thủ không còn yếu tố bất ngờ vì công nghệ giám sát hiện tại rất cao”, ông nói.

Tháng 6, quân đội Ấn Độ đã phát hiện xe ủi đất ngăn dòng chảy trên sông Galwan qua ảnh chụp vệ tinh. Vụ việc được ghi nhận chỉ vài ngày sau cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai nước khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.

Bình luận về dự án thủy điện trên sông Brahmaputra/Yarlung Zangbo, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ khẳng định dự án mới ở giai đoạn lên kế hoạch sơ bộ và các bên không cần “diễn giải thái quá”. Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn nhấn mạnh dự án là “quyền chính đáng” của nước này.