Triều cường cao tại ven biển Nam Bộ đã gây nguy cơ ngập lụt ở nhiều vùng trũng, thấp và sẽ còn tiếp diễn; xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Nam Bộ trong mùa khô năm 2021 cũng được dự báo sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm…
Để làm rõ hơn những nhận định về tình hình khí tượng thủy văn ở khu vực Nam Bộ từ nay đến tháng 5/2021, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia).
PV: Thưa ông, tại sao có hiện tượng triều cường, ngập úng nhưng lại vẫn cảnh báo xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong bản tin dự báo sớm mùa khô năm 2020 ở ĐBSCL?
Ông Phùng Tiến Dũng: Dao động mực nước biển nói chung và vùng ven bờ biển Việt Nam nói riêng có thể được chia ra làm hai nhóm dao động chính: Nhóm dao động có chu kỳ (dao động thủy triều, sinh ra do các lực có nguồn gốc vũ trụ trong quá trình chuyển động tương hỗ của mặt trăng, mặt trời và trái đất); Nhóm dao động không có chu kỳ: đáng chú ý nhất là dao động dâng, rút do gió và nhiễu động khí áp. Hiện tượng mực nước biển dâng cao trong một số ngày của tháng được gọi là triều cường. Nguyên nhân của triều cường ngoài mực nước thủy triều cao còn có đóng góp của nước dâng do gió.
Tại Việt Nam, tác động của triều cường lớn và gây chú ý nhất ở trên dải ven biển Nam Bộ, nhất là trong các tháng cuối và đầu của năm. Bởi đây là khu vực có biên độ thủy triều lớn, địa hình trên cạn trũng, bằng phẳng. Triều cường cao sẽ gây ngập các khu vực trũng ven biển, ven sông khu vực Nam Bộ. Mực nước biển dâng cao cũng đưa nước mặn từ biển vào sâu trong sông gây ra hiện tượng xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng khi lượng nước trong sông từ thượng nguồn giảm (nhất là trong các tháng mùa khô).
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 12/2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều, mực nước hạ lưu sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 2 đợt triều cường mạnh, mực nước các trạm hạ lưu sông Cửu Long khả năng lên mức BĐ2 – BĐ3, có nơi trên BĐ3, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 5/2021, tại ven biển Nam Bộ xuất hiện 3 đợt triều cường cao vào các ngày 14 – 18/11/2020, 13 – 17/12/2020, 13 – 16/1/2021. Trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực trũng, thấp ven biển Nam Bộ.
PV: Ông có nhận định gì về diễn biễn thiên tai những tháng tới ở ĐBSCL?
Ông Phùng Tiến Dũng: Trong các tháng đầu năm 2021, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Nam Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 – 2020. Xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ tháng 1/2021. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 10 – 15/2, từ 26/2 – 2/3), tháng 3 (từ 10/12 – 16/3, từ 25 – 29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9 – 14/4, từ 24 – 28/4).
Tuy vậy, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
PV: Theo ông, cảnh báo sớm các thiên tai cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Ông Phùng Tiến Dũng: Trong những năm gần đây, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Chất lượng dự báo thời tiết, thiên tai được cải thiện rõ rệt với mức độ chính xác hơn, sát thực tế hơn và thường xuyên cập nhật để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội.
Các bản tin cảnh báo sớm thiên tai như lũ, hạn hán, xâm nhập mặn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng. Các thông tin dự báo, cảnh báo sớm sẽ giúp các Bộ, ngành, các tỉnh trong khu vực sớm triển khai việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp phù hợp, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
PV: Vậy, đơn vị đưa ra khuyến cáo gì để chính quyền cũng như người dân các địa phương chủ động ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 – 2021?
Ông Phùng Tiến Dũng: Khuyến cáo của chúng tôi đối với người dân khu vực Đồng bằng Nam Bộ là cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn tại địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí và chủ động các biện pháp ứng phó với tình hình thực tế có thể xuất hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Tại khu vực Nam Bộ vào tháng 12/2020, tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 40%. Vào tháng 1 – 3/2021 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm với tổng lượng mưa tháng phổ biến 20 – 50 mm. Tháng 4/2021, tổng lượng mưa cao hơn từ 20 – 35% so với hơn trung bình nhiều năm. Tháng 5/2021, tổng lượng mưa xấp xỉ so với hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ”, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. |