Những tháng cuối năm là thời điểm mà nạn săn bắt chim trời ở khu vực miền Tây Nam bộ trở nên ghê gớm nhất.
Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ tăng và sau một mùa “làm tổ, sinh sản”, số lượng chim trời ở đây nhiều nhất. Điều đáng lo ngại nhất là càng gần các khu vực được được quản lý, bảo vệ thì tình trạng săn bắt càng phức tạp và dày đặc hơn.
Nguyên nhân đơn giản bởi những khu vực đó có nhiều chim. Nhưng không chỉ săn bắt, ngay cả việc bày bán nhiều loại chim trời quý hiếm cũng được diễn ra công khai, trên những tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ ở khu vực này.
“Nghề” lâu năm
Trưa nắng, tuyến đường lộ nối liền xã Hoà Bình và Tân Công Sính (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) khá vắng vẻ. Ngồi quán nước ven đường, nhìn ra những cánh đồng lúa phía xa xa, thấp thoáng vài bóng người đi đi lại lại. Họ không phải là những người dân đi làm đồng mà là những người đi săn bắt chim trời. Bà Tâm (56 tuổi), chủ quán nước bảo giờ đang là mùa săn bắt chim trời.
“Ở đây nhiều lắm, nào là cò ốc, cò que, le le, gà nước, bìm bịp… đều có cả. Chúng đi theo đàn có lúc cả trăm con. Mấy người săn bắt này cũng ở khắp nơi, họ ở trên Tân Hồng, Hồng Ngự hay dưới Vĩnh Hưng, Mộc Hoá lên. Nhiều người dân ở đây luôn. Mỗi ngày họ tới một nơi. Giăng lưới xong ngồi đợi đó. Khi nào dính lưới thì họ lại bắt, bỏ vào lồng rồi đem đi bán”, bà kể.
Vừa nghe bà Tâm kể, vừa nhìn ra cánh đồng chúng tôi thấy người đàn ông bước lại. Đưa tay gỡ những tấm lưới và bắt những chú chim vừa dính lưới.
Lúc này chúng tôi mới quan sát kỹ, hầu hết các tấm lưới này màu trắng, nhìn xa rất khó phát hiện. Ngoài ra, bên cạnh những tấm lưới dài hàng chục mét này còn có cả những chú chim mồi, những máy ghi âm tiếng chim kêu để gọi những đàn chim khác. Ngồi khoảng nửa giờ đồng hồ quan sát, thấy người đàn ông này gỡ lưới 3 lần, với khoảng 6-7 chú chim là chiến lợi phẩm. Chừng nửa giờ đồng hồ tiếp theo không thấy có chim dính lưới thì người này thu lưới lại để chuẩn bị đi tới địa điểm khác. Khoác chiếc lồng chim có trùm vải bạt lên vai, anh đi tới quán nước chúng tôi đang ngồi để nghỉ ngơi.
Lúc này chúng tôi mới có dịp hỏi thăm thì được biết, anh tên là Th. ở trên Tân Hồng và đã làm nghề săn bắt chim trời nhiều năm. Anh còn cho rằng, đây là nghề hợp pháp, chỉ săn bắt các loại chim thông dụng, có nhiều trong vùng và cũng không xâm phạm các khu vực cấm như khu bảo tồn, vườn quốc gia. Thậm chí, anh Th. còn kể cho chúng tôi nghe về công việc nhiều năm qua của anh.
“Ngày nào tôi cũng chạy xe máy lang thang những cánh đồng trong vùng. Khu vực nào có chim đều biết hết. Như cánh đồng ven kênh Trung Ương mùa này nhiều cò ốc, le le nhưng khoảng 2 tháng sau thì lại phải ngược lên phía kênh Phước Xuyên vào trong đồng săn bìm bịp, chim cuốc, gà nước… Nếu không có thì vòng xuống Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B đặt bẫy vịt trời, giang sen”, anh Th. kể thêm.
Được biết, so với nhiều nghề săn bắt khác như rắn, chuột, cua ốc… thì chim trời có giá trị cao hơn. Thợ săn có thể kiếm năm bảy trăm ngàn đồng, thậm chí cả một vài triệu đồng nếu may mắn. Với đặc trưng khu vực này là đồng ruộng, rừng tràm, rừng dừa hay cây trồng đan xen nhau, số lượng chim trời thực tế vẫn khá nhiều.
Nghề săn bắt chim trời ở khu vực vùng biên giới Long An, Đồng Tháp có khá nhiều người tham gia, hầu hết là dân địa phương. Nếu như những loại chim thông thường như cò ốc, cò xám, vịt trời, se sẻ… có giá khá rẻ, từ vài chục ngàn đồng cho tới hơn trăm ngàn đồng thì nhiều loại chim khác như le le, trích cồ, cúm núm… có giá trị cao hơn. Nhiều loài có giá cả triệu đồng. Chính vì vậy mà nhiều người vì lợi nhuận đã bất chấp, sẵn sàng vi phạm các quy định của pháp luật để săn bắt, tận diệt bất cứ loài chim trời nào có thể.
Ông Đặng Tiên Khoa, Đội trưởng đội bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) cho biết, những năm gần đây, số lượng các vụ săn bắt chim trời trái phép trong vườn quốc gia có chiều hướng giảm nhiều. Tuy nhiên, năm 2020 này lực lượng bảo vệ vườn đã thu giữ hơn 3.000 mét lưới bẫy, lưỡi câu, bình kích điện… dùng để săn bắt trái phép chim. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không bắt được người săn bắt vì nhiều lý do khác nhau.
Cũng theo ông Khoa, dù được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vườn quốc gia diện tích rộng, giáp ranh nhiều huyện, chủ yếu là đất ruộng của người dân nên việc bảo vệ chim trời rất nan giải. Thậm chí, nhiều thợ săn có thể đặt bẫy ngang nhiên ngay bên cạnh vườn nhưng cũng không thể xử lý được.
Bày bán ngang nhiên
Tình trạng săn bắt chim trời nhiều, phức tạp có nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, chim trời vẫn được coi là đặc sản, là loại thực phẩm được ưa chuộng, nhất là các nhà hàng quán nhậu. Việc thiêu thụ chim trời rất dễ dàng ở miền Tây Nam bộ khiến cho việc săn bắt nở rộ hơn.
Thông thường, ngay sau khi săn bắt được dù bất cứ loại chim nào, thợ săn cũng có thể bán ngay cho các vựa chim nằm nhan nhản ven quốc lộ 62, quốc lộ N2 hay những khu chợ dân sinh ở Tam Nông, Tràm Chim, Thạnh Hoá… mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Thực tế, trong khi chim ở các chợ, các sạp được bày bán một cách công khai đang ngày một nhiều, đủ loại thì ở vườn quốc gia Tràm Chim, khu bảo tồn Láng Sen, những nơi được coi là nhiều chim cò nhất miền Tây Nam bộ đang ngày một ít đi.
Ghé vào một sạp bán chim trời nằm ngay mặt tiền đường quốc lộ N2, nơi chỉ cách khu bảo tồn Láng Sen chừng 40 cây số và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60 cây số, chúng tôi thấy khoảng 20 lồng chứa chim, gà, vịt. Nhìn sơ qua, hầu hết đây chỉ là những loại chim gà vịt thông thường. Nhưng thực tế, những lồng bày bán này chỉ để “che mắt” lực lượng chức năng.
Bởi gần như bất cứ loại chim trời nào ở khu vực miền Tây Nam bộ cũng đều được các sạp này bán. Nhưng chủ sạp thường nhốt chúng ở các khu riêng, phía sau các khu rừng tràm ven đường. Khi có khách ghé thăm và hỏi các loại hàng, chủ sạp sẽ chào mời từng loại chim một. Thậm chí nhiều chủ sạp ở ven đường cũng là đầu mối cung cấp chim cho các nhà hàng, quán ăn ở thành phố. Họ mua của những thợ săn trong vùng sau đó giết mổ, gửi lên thành phố tiêu thụ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 2 cách “lách luật” để những chủ sạp bày bán ngang nhiên nhiều loại chim trời ở đây. Thứ nhất, dù sản phẩm là chim trời nhưng chúng lại được gắn mác là vịt, chim cút, gà ác… sau khi đã làm thịt để việc vận chuyển được dễ dàng, thuận lợi hơn. Ngoài ra, nhiều loại chim trời tự nhiên khác lại được dán mác là động vật nuôi. Đây cũng chính là lý do dù đã bị lên án rất nhiều nhưng tình trạng săn bắt, giết mổ hay vận chuyển các loại chim trời vẫn tồn tại, nhộn nhịp trong khu vực này…
Với đặc thù hầu hết các loại chim, cò ở khu vực miền Tây Nam bộ là chim di cư. Nghĩa là chúng có một thời gian sống ở những vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam, một thời gian lại di cư đi nơi khác nên tình trạng săn bắt không chỉ huỷ diệt những cá thể chim, cò này mà về lâu dài có thể thay đổi thói quen di cư, tập quán sinh sống của chúng. Khi đó, những loài chim cùng những động vật nằm trong chuỗi sinh thái có lẽ sẽ mãi mãi không còn.