Vào một buổi sáng tháng 9 nhiều mây, nhà sinh vật học bảo tồn Tutilo Mudumba cùng một số đồng nghiệp và 17 nhân viên Cơ quan động vật hoang dã Uganda leo lên 3 chiếc Land Cruiser để thực hiện một nhiệm vụ: tìm và gỡ bẫy dây trong Vườn quốc gia Murchison Falls ở phía tây bắc Uganda – nơi một nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng bẫy bất hợp pháp trên mỗi dặm vuông nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Hầu hết những kẻ săn trộm nhắm mục tiêu vào linh dương, trâu hoặc lợn rừng để lấy thịt nhưng voi, hươu cao cổ và các động vật khác cũng sa bẫy. Các ngôi làng ở phía bắc VQG là thuộc nhóm những làng nghèo nhất ở Uganda và nhiều cạm bẫy ở Murchison do dân địa phương nghèo khó đặt để tìm kiếm nguồn thực phẩm giàu chất đạm cho bản thân và gia đình.
Vào thời điểm nhóm hoàn thành tuần tra, họ đã lùng sục 19 dặm vuông và thu thập khoảng 200 cái bẫy – số lượng tương ứng với công sức của 20 người tìm kiếm trong 5 giờ, theo Mudumba.
Từ năm 2015, Mudumba tham gia vào các hoạt động gỡ bẫy trong VQG với tư cách là đồng giám đốc và đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Snares to Wares chuyên thuê người dân địa phương biến những chiếc bẫy đã thu hồi thành những tác phẩm điêu khắc phức tạp về động vật hoang dã châu Phi. Ngoài việc phát triển các kỹ năng như một nghệ nhân, nhân viên của Snares to Wares còn kiếm được thu nhập để mua các nguồn protein khác cũng như trang trải nhu cầu cơ bản như thuốc men. Chương trình hiện sử dụng 620 nghệ nhân và thường bán hơn 800 tác phẩm điêu khắc mỗi tháng, chủ yếu cho khách hàng Hoa Kỳ.
Mudumba đã thành lập và lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận này cùng với nhà sinh thái học động vật hoang dã Robert Montgomery thuộc Đại học Bang Michigan. Nhà sinh vật học cho biết: “Đó là về các nguồn thực phẩm thay thế nhưng cũng trao quyền cho [người dân địa phương].
Gỡ bẫy
Dễ chế tạo và dễ sử dụng, bẫy là phương pháp săn bắn được lựa chọn nhiều ở Murchison Falls. Mặc dù đôi khi được làm bằng dây điện, bẫy thường được làm từ những chiếc lốp xe bỏ đi nằm rải rác trên đường cao tốc chạy dọc theo VQG. Chúng được tạo hình thành các vòng và được neo vào thân y hoặc cành cây. Khi một con vật bước vào vòng, cái bẫy sẽ siết chặt lấy chi của nó. Động vật thường chết do đói, mất máu và mất nước.
Snares to Wares làm việc với Cơ quan động vật hoang dã Uganda để thu thập bẫy trongVQG khoảng hai tuần một lần. Bẫy được phân loại theo vật liệu và giao cho các nghệ nhân hiện làm việc từ xa theo nhóm nhỏ thay vì tại xưởng ngoài trời kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát vào tháng 3.
Mặc dù rất khó để đo lường tác động của chương trình nhưng Juma Muhamed, trợ lý giám sát an ninh và thực thi pháp luật của Cơ quan động vật hoang dã Uganda tại VQG tin rằng Snares to Wares đã góp phần giảm số lượng những kẻ săn trộm và cả những người có thể trở thành săn trộm ở Murchison Falls. Chương trình cho những người trẻ tuổi thấy rằng có lựa chọn thay thế cho việc đặt bẫy.
“Chúng tôi tin rằng [chúng tôi sẽ] thấy nhiều kết quả tốt hơn trong tương lai. Hầu hết các thành viên trong nhóm là thanh niên nên chúng tôi tin rằng theo thời gian họ sẽ ảnh hưởng đến những người lớn tuổi thường tuyển dụng và đào tạo họ trở thành những kẻ săn trộm”.
Biến dây thành… động vật hoang dã
Mối quan tâm của Mudumba đối với vấn đề đặt bẫy bừng lên từ gần một thập kỷ trước khi ông đóng góp vào nghiên cứu xác định bẫy dây là thủ phạm chính gây ra sự suy giảm 40% số lượng sư tử trong VQG từ năm 2002 đến 2009. Ông đã dành vài năm tiếp theo để nghiên cứu các cách dự đoán sự phân bố của bẫy trong VQG. Mặc dù có nhiều chuyến đi để gỡ bẫy nhưng nhiều bẫy hơn nữa luôn xuất hiện. “Chúng tôi tiếp tục làm điều đó và vấn đề bẫy vẫn chưa kết thúc”.
Khi bắt đầu học tiến sĩ tại Đại học Bang Michigan năm 2015, Mudumba và Montgomery đã ấp ủ ý tưởng cho Snares to Wares như một cách để “chữa cháy từ gốc”. Cả hai ra mắt tổ chức phi lợi nhuận vào cuối năm đó.
Ban đầu, mọi người trong cộng đồng khá ngờ vực. Họ không thể tưởng tượng được rằng có ai đó lại thích mua các tác phẩm điêu khắc về động vật hoang dã. Bản thân họ không mấy yêu thích các loài hoang dã ở địa phương vì động vật thường băng qua ranh giới VQG phá hoại cây trồng và làm bùng lên nỗi sợ hãi.
Mudumba bị sốc khi biết rằng một số người tham gia thậm chí còn không hiểu rõ về những con vật trông như thế nào, họ chỉ quan sát chúng trong những lần tương tác căng thẳng bên ngoài VQG. Bước đầu tiên là sắp xếp các chuyến đi vào VQG để các nghệ nhân nghiên cứu các loài động vật và phát triển lòng yêu quý với chúng. Họ cũng bắt đầu học cách làm việc với dây điện, chẳng hạn như xử lý bằng lửa để dây dẻo hơn.
Khi hàng thủ công được bán ra, nhiều người hơn yêu cầu tham gia. “Họ biết rằng họ có thể được hưởng lợi từ công việc mà [các nghệ nhân] đang làm”.
Mudumba cho biết tương lai của Snares to Wares có vẻ tươi sáng hơn và tin rằng các thành viên cộng đồng sẽ tiếp tục chuyển từ săn trộm sang lấy nghệ thuật. Anh hy vọng trong thời gian tới có thể mở rộng mô hình sang các khu vực khác.
Nhật Anh (Theo NatGeo)