Phải chấm dứt tận diệt chim trời!: Quy định đã có, vì sao chưa xử lý?

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, đối tượng vi phạm chủ yếu là người làm thuê, việc chứng minh ý thức chủ quan của người vận chuyển gặp nhiều khó khăn… khiến cho việc xử lý vi phạm không dễ.

Phải chấm dứt tận diệt chim trời!

Năm 2019, tôi dẫn một số nhiếp ảnh gia nước ngoài đến từ Hội Sếu quốc tế tìm tới Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim (Đồng Tháp) chụp ảnh, ghi nhận thực trạng chim di cư. Ít nhất 3 đợt chờ đợi đều không chụp được hình ảnh mong muốn bởi năm đó sếu đầu đỏ đã không bay về. Năm nay cũng vậy, ngóng chờ mãi cũng không thấy bóng dáng con nào.

Thiên đường chim trời bị đe dọa

40 năm trước, Việt Nam từng là quê hương của loài sếu đầu đỏ. Khi có nắng ấm, cỏ năn trồi lên, sếu về ngập trời. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của vùng Đồng Tháp Mười. Loài này rất nhạy cảm với sự thay đổi của khí hậu và cảnh quan thiên nhiên. Một khi sếu không còn về đồng nghĩa với đất không còn lành, chim không còn đậu.

Lùi lại 8 năm, VQG Tràm Chim có trên 7.000 con cò ốc bay về trú ngụ cùng hàng chục ngàn loài chim di cư khác. Giờ đây, muốn bắt gặp cảnh chim làm tổ phải đi vào vùng lõi của rừng bởi xung quanh bìa rừng, bẫy chim, lưới rập rất nhiều. Tình trạng này kéo dài chim trời sẽ không còn xuất hiện từ đó phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên.

Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar (công ước về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước). Cứ sau 3 năm sẽ có một đợt kiểm tra và đánh giá lại, số lượng chim tối thiểu ở một khu phải trên 22.000 con, nếu giảm lượng chim sẽ bị thu hồi công nhận nói trên. Theo một chuyên gia đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, thật may mắn khi vùng Đồng Tháp Mười có đến 2 khu Ramsar gồm Tràm Chim và Láng Sen (Long An). Tuy nhiên, nếu vẫn tồn tại tình trạng đánh bắt chim trời và hình thành các khu chợ buôn bán như hiện nay thì việc bị thu hồi công nhận khu Ramsar là điều khó tránh khỏi.

Cảnh bán động vật hoang dã ngay tại cửa ngõ vào hai khu Ramsar Tràm Chim (Đồng Tháp) và Láng Sen (Long An) Ảnh: Lê Phong

Nhiều lần dẫn các đoàn chuyên gia nước ngoài đến tham quan khu bảo tồn ở Đồng Tháp và Long An, chúng tôi giật mình khi thấy cảnh tận diệt tại chợ nông sản Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, Long An). Năm 2018, khu chợ này hoạt động mang tính tự phát, chừng 20 sạp hàng với số lượng mua bán chim lên đến hàng tấn/ngày. Sau đó, đoàn chuyên gia và một số tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lên tiếng, chính quyền địa phương giải tỏa, quy hoạch trở lại. Thế nhưng, khi quy hoạch xong, cửa hàng kinh doanh nhiều hơn trước, số lượng mua bán đông hơn. Việc tồn tại khu chợ này đe dọa sự sinh tồn của các loài hoang dã và gây suy giảm lượng chim ở vùng Đồng Tháp Mười. Miền Tây Nam Bộ vốn là thiên đường của chim trời cá nước nhưng giờ đây điều đó không còn nữa.

Quy định nhiều nhưng xử lý không dễ

Việt Nam đã có những quy định pháp luật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời), cụ thể như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này); Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ban hành danh mục loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… Ngoài ra, chúng ta cũng thành lập các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cũng như thực thi các cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý, hiếm trong sách đỏ…

Công tác phòng ngừa vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản cũng được chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương quan tâm bằng việc ban hành nhiều bản kế hoạch liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Nhìn tổng quan, quy định pháp luật về động vật hoang dã đã khá nhiều nhưng vi phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra mà số vụ phát hiện, xử lý còn ít. Nguyên nhân có thể chỉ ra: công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời nên số vụ phát hiện, xử lý còn ít và khó khăn. Hơn nữa, các đối tượng vi phạm ở địa bàn chủ yếu là người làm thuê, tiếp tay cho các đối tượng cầm đầu ở địa phương khác. Việc chứng minh ý thức chủ quan của người vận chuyển gặp nhiều khó khăn bởi họ phải biết những loài động vật vận chuyển, mua bán là loài nguy cấp, quý, hiếm thì mới xử lý hình sự, còn không biết thì chỉ xem xét xử lý hành chính. Việc thu giữ tang vật để trưng cầu giám định trong nhiều vụ việc không thực hiện được mà chỉ thu giữ được sổ sách ghi chép việc mua, bán thì không đủ cơ sở để xử lý.

Ngoài ra, công tác cứu hộ, bảo quản vật chứng có nhiều khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế và tổ chức thực hiện pháp luật. Một số công chức kiểm lâm không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực động vật rừng nên có phần lúng túng khi xử lý…

Động vật hoang dã lây lan dịch bệnh

Nguồn gốc của Covid-19 vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngỏ nhưng các bằng chứng sẵn có cho thấy bệnh bắt nguồn từ động vật hoang dã và lây truyền sang con người. Khủng hoảng Covid-19 cho thấy cần có những thay đổi có tính hệ thống để giải quyết những nguyên nhân môi trường khiến đại dịch xảy ra.

Đông Nam Á vẫn nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài hoang dã và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc. Thịt động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại. Để giải quyết vấn đề đã và đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng này, cụ thể là sử dụng và vận chuyển động vật hoang dã, các bộ, ngành chịu trách nhiệm về bảo tồn, quản lý các loài hoang dã và sức khỏe cộng đồng cùng nỗ lực để tăng cường giám sát thị trường, truyền thông cho công chúng, chấm dứt việc mua bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã và các sản phẩm làm từ động vật hoang dã.

Cần có những hành động quyết liệt để đóng cửa các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép; cấm vĩnh viễn tiêu thụ động vật hoang dã, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc. Đã đến lúc ngừng biện minh rằng sử dụng động vật hoang dã là thói quen lâu đời khó bỏ. Sức khỏe của người dân, sự ổn định về kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia và an sinh xã hội cần được đặt lên hàng đầu.

TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam

ThS Lê Minh Thành, điều phối viên Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)

Nguồn: