Đó là tiêu đề bài bình luận trên Channel News Asia ngày 4/12. Theo đó, một nhà quan sát cho rằng châu Á ngày càng trở nên dễ bị tổn thương do những tác động từ biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ không khí bề mặt trên đất liền đã tăng khoảng 1,5 độ C trong 150 năm qua, dẫn đến những tác động xấu đối với sức khỏe và phúc lợi của con người.
Sự ấm lên hơn sẽ làm gia tăng những rủi ro này, tùy thuộc vào mức độ giảm phát thải và việc đầu tư xây dựng hệ thống y tế thích ứng với khí hậu.
Châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu. Khu vực được dự báo sẽ trải qua sự gia tăng nhiệt độ, mưa cực lớn và mực nước biển dâng.
Những điều này sẽ gây ra những hậu quả về sức khỏe, bao gồm bệnh tật và nguy cơ tử vong liên quan đến nhiệt độ, chấn thương và tử vong do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, các bệnh do véc tơ truyền bệnh (các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh Leishmaniasis, bệnh Lyme, bệnh sán máng, sốt vàng da,… do trung gian truyền bệnh là muỗi, ruồi, ve, ốc nước ngọt và vectơ khác) và tình trạng thiếu dinh dưỡng.
Thời tiết cực đoan gây hại cho sức khỏe
Châu Á đã trải qua sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy nhiệt đới, mưa lũ, hạn hán và sóng nhiệt, dẫn đến số lượng đáng kể người bị thương và tử vong do hậu quả thời tiết trên.
Khu vực này đặc biệt chịu rủi ro vì dân số đông, đường bờ biển dài, nhiều vũng trùng và sự phụ thuộc lớn vào ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.
Sự kết hợp của các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như nhiệt độ cao trùng với các cơn lốc xoáy hoặc sóng nóng ngược chiều được dự báo sẽ xảy ra với tần suất ngày càng tăng.
Trong hầu hết các kịch bản, nhiệt độ tăng cao sẽ khiến nhiều phần lớn người dân phải hứng chịu những đợt nắng nóng gây hại cho sức khỏe khắp châu Á. Nguy cơ sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố đông dân cư và các khu vực làm nông nghiệp ở Nam Á và miền đông Trung Quốc.
Nhiệt độ trung bình cao hơn cũng làm giảm năng suất của những người làm việc ngoài trời, và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Các kế hoạch hành động chống nóng đã được thực hiện thành công ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, chúng cần được xem xét cập nhật thường xuyên vì thời điểm bắt đầu, mức độ nghiêm trọng và thời kỳ nhiệt độ cao ở mức nguy hiểm liên tục thay đổi.
Bệnh tật và suy dinh dưỡng
Các bệnh do véc tơ truyền bệnh, đặc biệt là các bệnh do muỗi truyền, là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng ở châu Á, với các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và chikungunya (bệnh do virus gây ra có triệu chứng viêm khớp) đã trở thành bệnh phổ biến trong khu vực.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiệt độ môi trường sống và lượng mưa thường có lợi cho sự sinh sôi của các loại muỗi, làm tăng môi trường sống của muỗi và khiến mùa truyền bệnh của muỗi kéo dài.
Các đợt bùng phát bệnh lặp đi lặp lại gây ra nhiều nguy cơ lớn về sức khỏe, như đã từng xảy ra trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Nhiệt độ ấm lên, lượng mưa thay đổi và tần suất hạn hán và sa mạc hóa nhiều hơn đã làm tổn hại đến an ninh lương thực ở các khu vực châu Á.
Mặc dù biến đổi khí hậu đã làm tăng năng suất cây trồng ở một số vùng núi cao, nhưng sản lượng ở các vùng có vĩ độ thấp hơn lại bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng lên có thể làm giảm chất lượng dinh dưỡng của cây trồng. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn cũng sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Với giá ngũ cốc dự kiến sẽ tăng vào năm 2050, những người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói. Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng tình trạng thấp còi ở trẻ em.
Khí hậu và tác động đến sức khỏe tinh thần
Mặc dù thường xuyên bị bỏ qua, các vấn đề về sức khỏe tinh thần vẫn phổ biến khắp châu Á và được khuếch đại bởi những căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu. Các sự kiện cấp tính liên quan đến khí hậu có thể dẫn đến các biểu hiện suy sụp tinh thần, với những biểu hiện như lo lắng, rối loạn tinh thần, sự thu mình với xã hội, đồng thời có thể làm tăng nguy cơ tự tử.
Hạn hán kéo dài và lặp đi lặp lại có liên quan đến sự chán nản và tự làm hại bản thân, đặc biệt là ở nông dân.
Biến đổi khí hậu trong thời gian dài cũng làm xói mòn cảm giác về sự ổn định, điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần ở tất cả các nhóm dân cư.
Việc rút ngắn thời gian quay trở lại của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng đe dọa khả năng phục hồi và chữa trị tinh thần cho xã hội và các cá nhân.
Minh họa cho hiện tượng này là các tác động kép và ngày càng tiêu cực của tình trạng phong tỏa lặp đi lặp lại thời Covid-19 đối với tinh thần và sức khỏe của con người.
Mô hình hữu ích
Các mô hình cho thấy cách hiệu quả nhất để giảm số người dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu là thông qua phát triển bền vững, tích cực, góp phần giảm bất bình đẳng kinh tế xã hội và nghèo đói ở châu Phi và châu Á.
Một phân tích đã xem xét tác động qua lại giữa phát triển kinh tế xã hội và 14 nguy cơ biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực nước, năng lượng và đất đai, bao gồm cả nguy cơ nắng nóng khắc nghiệt.
Theo đó, với nhiệt độ nóng lên từ 1,5 đến 2 độ C và sau đó tăng gấp đôi với mức tăng 3 độ C, nguy cơ các bệnh vector tuyền sẽ tăng gấp đôi trên toàn cầu.
Với mức tăng từ 1,5 đến 2 độ C, tổng người dân có nguy cơ nhiễm bệnh vector truyền tăng từ 69% đến 113% và mức độ phơi nhiễm tăng từ 60 đến 258%. Phần lớn nguy cơ xảy ra là ở châu Á và châu Phi.
Dân số tăng, mức tiêu thụ cao, đầu tư phát triển công nghệ hạn chế và khả năng thích ứng thấp sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do biến đổi khí hậu.
Cần có một cách tiếp cận toàn diện để kiểm soát những rủi ro này, điều đòi hỏi các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý nguồn tài trợ và công chúng cùng hợp tác để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu.
Các chính sách đổi mới dựa trên khoa học đúng đắn, ý chí chính trị và nguồn tài chính bền vững, được hỗ trợ và điều phối bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, là điều cần thiết để chuẩn bị đối phó cũng như kiểm soát các nguy cơ về sức khỏe cho một hành tinh đang nóng lên hàng ngày.