Việt Nam có thêm dự án trị giá 156 triệu Euro chống biến đổi khí hậu

Thông qua 1 dự án trị giá 156 triệu Euro, Liên minh châu Âu, Pháp (thông qua AFD) và Việt Nam cùng hợp tác, hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước thiên tai và biến đổi khí hậu của các đô thị loại nhỏ ở Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam và AFD trao thỏa ước tài trợ về dự án, trước sự chứng kiến của Đại sứ EU và Đại sứ Pháp. Ảnh: LV

Chiều ngày 1/12, tại Hà Nội, đại diện Liên minh châu Âu EU, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và đại diện Bộ Tài chính đã ký các hiệp định tài trợ của một dự án chung mới “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” (Dự án CRUIV), nhằm làm giảm mức độ dễ bị tổn thương của 5 đô thị trước các vấn đề về khí hậu.

Dự án được đồng tài trợ bởi khoản viện trợ không hoàn lại 5 triệu Euro từ Liên minh châu Âu (EU), khoản vay ODA 123 triệu Euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), ngân sách đối ứng của các tỉnh là 28 triệu Euro.

Dự án CRUIV sẽ mang lại lợi ích cho 5 đô thị loại nhỏ ở Bắc Trung Bộ của Việt Nam gồm: Thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), 2 huyện Hương Khê và Thạch Hà (Hà Tĩnh), tất cả các đô thị này đều rất dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Mục tiêu chính của dự án là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của 5 đô thị này và người dân ở đây trước thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, các đợt thiên tai tàn phá ở miền Trung Việt Nam cho thấy thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, do đó điều quan trọng là phải hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai với khả năng chống chịu và phục hồi tốt. Khoản viện trợ không hoàn lại của EU sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng năng lực điều phối và thông tin liên lạc của chính quyền địa phương, phát triển các hệ thống thông tin và phòng ngừa rủi ro cũng như tổ chức công tác vận hành, bảo trì cơ sở hạ tầng.

Ông Fabrice Richy, Giám đốc AFD tại Việt Nam cho biết thêm, chương trình quan trọng này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu lâu dài của Việt Nam và sứ mệnh của AFD tại Việt Nam vì các hoạt động của chúng tôi nhằm hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận Paris, cụ thể là thông qua việc nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của các thành phố và địa phương dễ bị tổn thương.

Đại diện cho địa phương thụ hưởng dự án, ông Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, tổng số vốn dự án thực hiện tại huyện là 854 tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng của huyện Thạch Hà là 140 tỷ đồng.

Trước đó, huyện cũng đã được thụ hưởng 1 dự án hỗ trợ từ AFD cho hệ thống thủy lợi Bắc Hà với nguồn kinh phí 495 tỷ đồng. Tuy dự án chưa hoàn thành hết 100% nhưng dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua. Vì vậy, với dự án này – dự án mà huyện đã mất 4 năm để chuẩn bị – người dân Thạch Hà rất ủng hộ và mong chờ sớm được triển khai.

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Tài chính Việt Nam về dự án này, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, quá trình chuẩn bị dự án được triển khai khá kỹ càng trong thời gian 4 năm. Trong thời gian chuẩn bị, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh để hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và từ tháng 10/2020, Bộ Tài chính đã đàm phán với AFD và hôm nay dự án đã được ký kết.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với AFD và các tỉnh sau khi ký ý định vay thực hiện giải ngân, cam kết đảm bảo giải ngân các dự án thành công tốt đẹp.

Ông Hải nhấn mạnh, cũng giống như tất cả các cơ quan Chính phủ khác, Bộ Tài chính mong muốn triển khai dự án này càng sớm càng tốt. Bộ Tài chính đang rất mong chờ yêu cầu rút vốn đầu tiên từ các địa phương thụ hưởng dự án.

Tuy nhiên về các dự án trong tương lai, Bộ Tài chính sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng từ các điạ phương, vì việc đàm phán các hiệp định vay chỉ có thể thực hiện được khi các thủ tục trong nước đã hoàn thành.

Cũng tại sự kiện, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, ngoài dự án được ký kết hôm nay, nước Pháp thông qua AFD đang lên kế hoạch hỗ trợ tiếp theo cho các dự án chống biến đổi khí hậu cho việt Nam, với khoảng kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu Euro/năm trong vòng 5 năm tới.