Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi việc cấp phép vaccine của Pfizer là một “tin tức tuyệt vời”, song lưu ý người dân không được chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.
Anh trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine BNT162b2 ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hợp tác phát triển, kênh hannel News Asia cho hay.
Ngày 2-12, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine BNT162b2.
Thông báo trước quốc hội nước này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng đây là một “tin tức tuyệt vời”, một tia hy vọng cho viễn cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát tố dù thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức hậu cần đối với việc tiêm chủng cho 67 triệu dân nước này. Do đó, ông Johnson lưu ý người dân không nên mất cảnh giác trước đại dịch.
“Ở giai đoạn này, điều rất quan trọng là mọi người không nên kỳ vọng quá sớm vào tốc độ chúng ta có thể tung ra loại vaccine này” – ông Johnson nói.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết 800.000 liều vaccine đầu tiên sẽ được phân phối trong tuần sau, ưu tiên cho người cao tuổi sống trong các nhà dưỡng lão và các nhân viên y tế, theo đài BBC.
Anh bị EU chỉ trích là “vội vàng”
Quyết định của giới chức Anh vấp phải sự chỉ trích từ các đồng minh châu Âu. Các quan chức tại Brussels lưu ý rằng thủ tục cấp phép vaccine phức tạp hơn của Liên minh châu Âu (EU) là phù hợp hơn vì quy trình này đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng hơn và dựa nhiều hơn vào các bằng chứng khoa học.
Ông Peter Liese, một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel và là thành viên Nghị viện châu Âu, gọi quyết định của London là “vội vàng” và cảnh báo EU không nên hành động theo cách này.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết một số nước châu Âu đã có thể cấp phép vaccine BNT162b2 trước, song EU đã thống nhất sẽ quyết định cùng lúc và đưa ra một quyết định nhận được sự tin tưởng lớn hơn từ các công dân châu Âu.
Phản bác lại các chỉ trích này, Giám đốc điều hành MHRA June Raine cho rằng quy trình của Londoon “hoàn toàn phụ thuộc vào” những dữ liệu đã rõ ràng, sự đánh giá nghiêm ngặt và không chịu tác động từ các yếu tố chính trị hay kinh tế.
Cuộc đua vaccine giữa các cường quốc
Giới quan sát thừa nhận việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 đã trở thành một cuộc đua giữa các cường quốc.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết vaccine của Pfizer và BioNTech có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 29-12.
Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã nhận được hồ sơ xin cấp phép vaccine BNT162b2. Ngày 10-12, cơ quan này sẽ họp để thảo luận vấn đề này. Rất có thể giấy phép sẽ được công bố vài ngày sau đó.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thông báo đang xem xét cấp phép cho loại vaccine của Pfizer và BioNTech.
Một ứng viên vaccine ngừa COVID-19 khác do công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh) hợp tác phát triển cũng đang được xem xét cấp phép tại Mỹ.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã cấp phép cho một số vaccine ngừa COVID-19 do các nhà khoa học hai nước này phát triển. Ngay khi được công bố, các giấy phép này còn chịu sự chỉ trích còn nặng nề hơn so với phản ứng trước quyết định hôm 2-12 của Anh.
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lây nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng tới gần như mọi khu vực trên toàn cầu. Tổng số ca nhiễm đã là gần 64.797.400, trong đó, hơn 1.498.100 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers.