Du lịch trang trại luôn có sức hấp dẫn với khách thành thị, đặc biệt là khi những người làm trang trại có thêm khả năng tổ chức, kết nối.
Nằm trên đường dẫn vào thác Pongour, một thắng cảnh nổi tiếng của Lâm Đồng, vườn ong Thái Dương (Liên Nghĩa, Đức Trọng) gần đây đã hoàn thiện mô hình du lịch – canh nông của nghề ong: không gian thoáng đãng, hoa trồng nhiều tầng quanh hồ nước.
Du khách có thể đi theo đàn ong để khám phá quy trình ong kiếm phấn hoa, hút mật hoặc cùng những người nuôi ong đi thăm các tổ ong, cùng công nhân thực hiện một số hoạt động của nghề làm ong, chẳng hạn cấy ấu trùng để tạo sữa ong chúa, thu hoạch sáp ong làm mỹ phẩm… Từ lúc đưa vào hoạt động đến nay, trang trại đã đón tiếp nhiều đoàn khách lớn, nhỏ và đa số du khách, nhất là các em thiếu nhi tỏ ra rất hứng thú khi quan sát mô hình này.
Chuyên nghiệp hơn cả vườn ong Thái Dương, cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Lanbian VF Dâu Rừng khai trương Khu du lịch nông nghiệp dược thảo dưới chân núi Langbiang, Lạc Dương, trong đó diện tích trồng phúc bồn tử đen và đỏ chiếm phần lớn.
Đây là kết quả sau 3 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm và nhân giống thành công loài dược thảo phúc bồn tử đen và đỏ của Công ty.
Đến nay, với tổng diện tích 5 ha, Công ty đã bố trí 4 ha trang trại gắn với chế biến các dòng sản phẩm từ phúc bồn tử như nước cốt, rượu vang, mứt, trà, mỹ phẩm, dược phẩm, kẹo…
Gần một năm qua, nhà hàng biệt thự Memmory Đà Lạt (thuộc Công ty Tam Anh Đà Lạt) thực hiện các tour du lịch theo chủ đề “Từ trang trại đến bàn ăn” với combo du lịch là đi trang trại trải nghiệm, về nhà hàng học chế biến món ăn từ những nguyên liệu thu hái từ trang trại và thưởng thức bữa tối. Các điểm đến của loại hình du lịch này thường là các trang trại atiso, salad hoặc đồi trà, cánh đồng hoa, vườn rau hoa…
Khách chia nhóm khoảng 2-3 người bốc thăm 1-2 món ăn (theo menu khách chọn); đến vườn tìm hiểu đặc tính loài rau, rồi về nhà hàng Memory tham gia chương trình cooking class. Bếp trưởng sẽ có 2 phần, một là món ăn đã làm xong, khách được nếm thử; sau đó, bếp trưởng hướng dẫn khách cách chế biến trong thời gian không quá 60 phút.
Theo ông Phan Đức Thiệu, bếp trưởng nhà hàng Memory, dịch vụ có hướng dẫn nhiều món theo yêu cầu của du khách và phù hợp với lịch trình tham quan của họ, như salad trộn, chả giò rau, atiso hầm, bò cuộn lá bồ công anh nướng… Nếu khách đến đúng dịp nhà hàng đang có các lớp học chuyên đề cũng có thể đăng ký tham gia cooking class: chế biến món ăn Á, món ăn Âu, Á – Âu kết hợp, cắt tỉa rau củ.
Hiện tại, các đầu bếp trong Câu lạc bộ Bếp Lâm Đồng đang soạn thảo giáo trình hướng dẫn chế biến nhiều món ăn với nguồn nguyên liệu từ địa phương Lâm Đồng để thực hiện giảng dạy tại các lớp học nấu ăn và tham gia vào những tour du lịch theo chủ đề “Từ trang trại đến bàn ăn”.
Tham gia cùng du khách vào tour du lịch tại các trang trại atiso và bồ công anh, ông Nguyễn Hữu Hường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bếp Lâm Đồng, chia sẻ: “Chúng tôi cũng muốn tư duy để có sản phẩm thuần địa phương. Các loại rau củ đặc trưng của Lâm Đồng như atiso, bồ công anh sẽ có hương vị riêng, kích thích sự sáng tạo trong chế biến món ăn của các đầu bếp, lôi cuốn sự tò mò của du khách, nhưng cũng tạo nên sự hấp dẫn không ngờ, như các món lá bồ công anh cuộn thịt bò nướng, hay rau atiso trộn gân bò, salad bồ công anh tôm thịt”.
Sở hữu trang trại bồ công anh và atiso cùng rau tươi với trà, ông Võ Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Đà Lạt Vàng Xanh, cho biết: “Trang trại thực hiện quá trình canh tác an toàn, đảm bảo cho du khách có điểm đến trải nghiệm trong lành, cũng như thu hái các loại rau tươi ngon, tốt cho sức khỏe.
Từ nguồn rau tươi bồ công anh và atiso, các đầu bếp hướng dẫn du khách chế biến nhiều món ăn như rau xào dầu hào, rau xào thịt bò, atiso trộn thịt bò, atiso trộn hải sản, canh hạt nút nấu tôm, canh atiso hầm xương, atiso sốt Mayonnaise, rau hạt nút xào tỏi. Bên cạnh đó, còn có các món nước hoặc tráng miệng ngoài trà như sinh tố bồ công anh, sinh tố atiso, nước ép đẳng sâm, bột matcha bồ công anh làm bánh hoặc làm đông sương, rượu bồ công anh ngâm từ nguyên cây khô toàn phần được sao qua lửa”.
Có thể nói, hình thành tour du lịch “Từ trang trại đến bàn ăn” là sự hợp tác giữa trang trại và các bếp ăn qua sự kết nối của các công ty du lịch, tạo nên một sản phẩm du lịch mới vừa góp phần quảng bá sản vật địa phương, vừa là cơ hội để giới thiệu món ăn mới từ những nguyên liệu đặc trưng Đà Lạt.
Theo ông Tưởng Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Tam Anh, Đà Lạt, dù là tour du lịch khá hấp dẫn du khách, nhưng khi thực hiện mới dừng ở mức tham quan là nhiều, chứ chưa đạt mức khách được thu hoạch một cách thoải mái. Bởi vì, du khách không đủ thời gian, hoặc không đúng mùa với món ăn khách yêu thích hay yêu cầu, hoặc đa số các trang trại vẫn chưa hoàn toàn chuyên nghiệp trong khâu phục vụ