Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép xây dựng … nhưng một doanh nghiệp ở huyện Mường Lát đã tự ý đào phá hơn 9000m2 đất rừng để làm dự án.
Không phép vẫn bạt rừng, phá núi, chặn suối làm dự án!
Hơn 2 tháng nay, công ty TNHH DVTM Đông Thuận Phát (công ty Thuận Phát) có trụ sở tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) huy động máy móc, phương tiện, nhân lực ra chặt phá rừng, phá núi, lấp suối trên diện tích khu đất hơn 9.000m2 tại khu 1, thị trấn Mường Lát để làm dự án tập kết, sản xuất vật liệu xây dựng.
Khu đất này bao gồm phần diện tích đất lâm nghiệp (rừng sản xuất), vườn ươm cũ do UBND huyện Mường Lát quản lý và khe suối tự nhiên chảy ra sông Mã. Tuy nhiên, về thủ tục pháp lý, công ty Thuận Phát mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có quyết định thuê đất, chưa có các thủ tục về bảo vệ môi trường, chưa có giấy phép xây dựng …
Theo quan sát của PV, khu đất công ty Thuận Phát phá núi, san gạt làm dự án nằm tại suối Xi Nhe, cạnh Quốc lộ 15C, đoạn qua địa bàn huyện Mường Lát.
Anh N. – một người dân địa phương cho hay, suối Xi Nhe dẫn nước từ trên nhiều đỉnh núi xuống, đến Quốc lộ 15c thì chảy qua dưới một cây cầu ra sông Mã. Lòng suối Xi Nhe trước đây rất rộng, đủ để thoát nước. Hiện tại, suối Xi Nhe đã bị công ty Thuận Phát san ủi, chặn dòng, lấn chiếm đến chân cầu, tạo thành thế thắt cổ chai. Nếu mưa to, nước dồn về cùng lúc thì không những nhà những hộ dân xung quanh mà cây cầu bắc qua Quốc lộ 15C cũng có nguy cơ bị nước cuốn trôi ra sông Mã.
Ông Lù Quý Nhân – Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát cho biết, đơn vị thi công cũng là chủ đầu tư san lấp mặt bằng trên là công ty TNHHDV TM Đông Thuận Phát, có trụ sở tại thị trấn Mường Lát. Công ty này mới chỉ được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có quyết định thuê đất, chưa làm các thủ tục về bảo vệ môi trường, chưa có giấy phép xây dựng. Việc làm của công ty Thuận Phát là vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Nhân, chính quyền địa phương, công an đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử lý, yêu cầu ngừng mọi hoạt động trên khu đất này nhưng doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm, thách thức.
“Đây là khu đất vườn ươm cũ do thị trấn Mường Lát quản lý và đất rừng sản xuất của một số hộ gia đình cá nhân. Dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, việc san lấp là vi phạm pháp luật. Công ty này lợi dụng thời gian đại hội Đảng các cấp và thường san lấp vào ngày nghỉ nên khi chúng tôi phát hiện thì đã san lấp được hơn 9.000 m2” – ông Nhân cho biết.
Muốn làm phải “quà cáp”, “làm luật”?
Giám đốc Công ty TNHH DVTM Đông Thuận Phát là ông Nguyễn Văn Doanh. Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Đông, một giáo viên trên địa bàn huyện Mường Lát mới là “ông chủ” thực sự của công ty này.
Ông Đông cũng xác nhận sự việc trên và khẳng định, do ông này là viên chức nhà nước nước (giáo viên) không thể làm chủ doanh nghiệp nên giao cho em vợ là ông Nguyễn Văn Doanh đứng tên. Mọi hoạt động của công ty Thuận Phát do ông Đông phụ trách và quyết định.
Ông Đông cũng thừa nhận, dự án mới chỉ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Việc doanh nghiệp của ông bạt rừng, phá núi, lấp suối làm dự án là vi phạm pháp luật.
Để ngụy biện cho việc làm của mình, ông Đông cho hay, trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều hộ dân vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, nhưng không bị chính xử lý hoặc xử lý không triệt để.
Quá trình trao đổi với PV, ông Đông vô tình tiết lộ, nếu không “làm luật” thì thời gian vừa rồi ông không thể thi công san lấp mặt bằng triển khai dự án khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật tại suối Xi Nhe.
“Không có luật, không có thế này thế kia nó có để cho chú làm không? Trách nhiệm của nó (chính quyền và công an – PV), nó đi tìm bãi đổ thải cho bọn anh. Nhưng có tìm đâu. Bọn anh đi đổ một xe đất là nó chạy theo nó lập biên bản như bọn anh chở hê rô in. Bọn anh đi đổ đất, làm cho nhà dân, nào là công an huyện này, phòng kinh tế môi trường này, biên phòng này, địa chính này, công an thị trấn này… Tóm lại là phải vượt qua 5 cửa ải, đều phải mất 10-15% chi phí. Chỗ anh làm ở đây, nói chung cũng phải có quà có cáp chứ” – Ông Đông nói.
Ông Đặng Ngọc Đông thông tin thêm, ngoài dự án trên, mới đây, xưởng sản xuất gạch không nung của gia đình ông cũng được xây dựng trên đât lâm nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Hà Văn Tế – Phụ trách phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát: “Tôi nhận nhiệm vụ đầu tháng 10/2020. Từ lúc tôi nhận nhiệm vụ phụ trách phòng, thông tin công ty Đông Thuận Phát nói như vậy (quà cáp, làm luật – PV) là không chính xác”.
Thượng tá Trương Văn Dũng – Trưởng Công an huyện Mường Lát cho biết: “Thông tin anh phản ánh (Công ty Thuận Phát nói phải đưa quà cáp, làm luật cho công an địa phương – PV) tôi xin cảm ơn, tiếp nhận. Tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh, còn việc trả lời thì theo thẩm quyền tôi phải xin ý kiến của giám đốc công an tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, do bản thân mới lên nhận nhiệm vụ nên chưa nắm rõ việc PV phản ánh công ty Thuận Phát triển khai khi chưa đủ thủ tục pháp lý trên địa bàn và sẽ giao các phòng, ban chuyên môn kiểm tra, xử lý.