Chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài vẫn được nhập cảnh vào Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết chúng ta vẫn cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và ngay cả người nhà của họ được nhập cảnh vào Việt Nam, để thực hiện đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020 tổ chức chiều 2/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến việc đưa các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam trong bối cảnh phát hiện ca mắc COVID-19 tại TPHCM.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến việc đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước và chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam hiện nay. Ảnh: VGP

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các chuyến bay thương mại không phải là các chuyến bay cố định trong ngày mà là các chuyến bay thuê, hành khách phải trả phí đầy đủ trọn gói từ kiểm dịch đến các chi phí liên quan.

Các điểm đi, điểm đến cũng được giới hạn, ví dụ như các địa bàn có giao tiếp với chúng ta rất nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Các hãng bay cả trong nước và quốc tế phải thực hiện kiểm soát dịch. Đồng thời phải thống nhất với các nhà chức trách của các hãng hàng không quốc tế và của hãng hàng không trong nước từ kiểm soát dịch, cách ly và khả năng kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia cũng như của nước ta.

Việc đưa công dân Việt Nam về nước cũng như đưa các chuyên gia đến Việt Nam vẫn đang duy trì. Các chuyến bay đưa chuyên gia kỹ thuật (đều được giám sát y tế) đến để duy trì phát triển kinh tế là việc làm cần thiết, cũng như đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Việc kiểm soát dịch chúng ta vẫn phải làm tốt. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng phương án này trên cơ sở năng lực cách ly của địa phương điểm đến.

Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết chúng ta đang thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa đồng thời phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Chúng ta vẫn khẳng định cho phép các chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và ngay cả người nhà của họ được nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Còn đối với người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay nhu cầu người Việt Nam ở nước ngoài về nước rất lớn, trong đó có những người có điều kiện khó khăn, tuổi cao, sức yếu, trẻ nhỏ, các tu nghiệp sinh, sinh viên lao động hết hạn.

Khi ghi nhận ca dương tính ngoài cộng đồng ở TPHCM, chiều 1/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần trước hết có các chuyến bay thương mại thì chuyên gia nước ngoài mới vào được, nhưng phải kiểm soát dịch chặt chẽ.

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta hạn chế đưa chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp đầu tư cách ly trong khu quân đội. Vì từ nay đến thời điểm đầu năm 2021, đất nước ta có nhiều sự kiện trọng đại nên chúng ta sẽ hạn chế cách ly tại Hà Nội. Chuyến bay vẫn có thể về sân bay Nội Bài nhưng cách ly ở các địa phương khác và về sân bay Vân Đồn, Khánh Hòa, Cần Thơ, TPHCM nhưng yêu cầu cách ly kiểm soát chặt.

Qua rút kinh nghiệm tại các cơ sở liên quan đến các tiếp viên hàng không, tổ bay, thì việc quản lý phải chặt chẽ.

Còn người Việt Nam ở nước ngoài về thì đầu mối là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét các đối tượng cụ thể, ưu tiên đối tượng người cao tuổi, người ốm, trẻ em, những trường hợp hết hạn học tập, lao động… tiếp tục về nước và thực hiện cách ly theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Chúng ta đã công bố nối chuyến bay thương mại với 7 nước nhưng thực tế mới thực hiện với Hàn Quốc và Nhật Bản. Với các chuyến bay thương mại đưa người về các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam thì việc phối hợp giữa các cơ quan đưa đón và cách ly các đối tượng cần phải thực hiện chặt chẽ hơn. Tinh thần là sẽ cố gắng đưa về khu cách ly của quân đội và các cơ sở lưu trú do địa phương chỉ định có sự phối hợp quản lý chặt chẽ của các ngành, cơ quan, đặc biệt là cơ quan y tế tại các tuyến và vấn đề xét nghiệm phải tốt, tránh sơ hở, chủ quan.

Nguồn: