Hệ sinh thái rừng trong vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh hầu hết là rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu.
Sáng 1/12, tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum phối hợp tổ chức Hội nghị quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh để đưa ra những giải pháp khả thi và phù hợp nhất với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong vùng, nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, cho biết Vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có chiều dài hơn 260km.
Hệ sinh thái rừng trong vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh hầu hết là rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu.
Đặc biệt, rừng ở khu vực này là đầu nguồn của các con sông lớn, có tác dụng phòng hộ, bảo vệ, chống xói lở và điều hòa nguồn nước.
Với những đặc điểm trên, hội nghị đã tập trung thảo luận các giải pháp khả thi để áp dụng vào thực tiễn như: công tác phối hợp giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp giữa các vùng giáp ranh để không tạo ra điểm nóng; hiệu quả của việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ sinh kế cho người dân; công tác phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng trái phép và phòng cháy, chữa cháy rừng ở khu vực giáp ranh.
Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) Đinh Ngọc Thanh nhấn mạnh để công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn, nhất thiết phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng.
Thực tế cho thấy để bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, cần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống của nhân dân sống gần rừng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực vùng giáp ranh, phát huy được nguồn nhân lực tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh trong thời gian qua như: tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra; việc khai thác rừng và phá rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để; công tác phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc truy quét khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép chưa được thường xuyên và đồng bộ; công tác trao đổi thông tin theo Quy chế phối hợp chưa đảm bảo…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đời sống của người dân ở những khu vực giáp ranh phần lớn còn nhiều khó khăn, đời sống còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng nên dễ dàng bị các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng để tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ rừng.
Tại hội nghị, Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn 2020-2022 gồm 10 nội dung, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp, các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội có liên quan đến lâm nghiệp để người dân, các chủ rừng hiểu rõ và thực hiện.