Hồ trữ nước ngọt được xây dựng tại An Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp cho người dân trong vùng không bị thiếu nước ngọt vào mùa khô, điều hòa nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngày 1/12, Đoàn công tác do bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, dẫn đầu có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi nông nghiệp và chuyển đổi sinh kế, quản lý tài nguyên nước và xói lở bờ sông.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị phía WB và Chính phủ Australia hỗ trợ An Giang đầu tư, xây dựng hồ trữ nước ngọt quy mô lớn gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Hồ trữ nước ngọt được xây dựng tại An Giang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp cho người dân trong vùng không bị thiếu nước ngọt vào mùa khô, điều hòa nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trước sự tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng kiến nghị phía WB và Chính phủ Australia hỗ trợ An Giang ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông; trước mắt, ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư các cụm dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tại buổi làm việc, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: Chính phủ Australia đã hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 650 triệu USD triển khai các dự án phát triển kinh tế bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu, trong đó cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) là dự án lớn nhất tại khu vực ASEAN do Chính phủ Australia tài trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. An Giang cũng là tỉnh hưởng lợi từ dự án này.
Bà Robyn Mudie khẳng định thông qua WB, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang triển khai các dự án quản lý nguồn nước; hỗ trợ tỉnh An Giang lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn; hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang các dự án phát triển nông nghiệp bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt.
Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cũng khẳng định Phía WB luôn cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có An Giang để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là về vấn đề nước sạch, sạt lở bờ sông.
Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Australia và WB, tỉnh An Giang triển khai các chương trình, dự án góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo của địa phương như Dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước; Tiểu dự án xử lý sạt lở bờ sông; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật từ quỹ ủy thác của Australia thông qua WB (ABP2), vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có An Giang đã nhận được sự hỗ trợ về mặt thể chế, chính sách nhằm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được xem là trung tâm kinh tế thương mại vùng, là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Thái Lan và là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với các mặt hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, rau màu và cây ăn trái.
Thời gian qua, tỉnh An Giang đã chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như: hạn hán gay gắt, kéo dài vào mùa khô; mưa to và kéo dài vào mùa mưa; đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng.
Các tác động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, khiến cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trở nên khó khăn hơn. Thiệt hại do biến đổi khí hậu qua các năm trên địa bàn tỉnh từ 981 tỷ đồng vào năm 2011 tăng lên 247 tỷ đồng vào năm 2020.