Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi, các thủy điện và hồ thủy lợi vẫn tiếp tục nâng mức xả lũ khiến nhiều vùng bị ngập nặng
Đến chiều 30-11, lực lượng chức năng chỉ mới tìm thấy các vật dụng, chưa tìm thấy tung tích 2 du khách mất tích do nước lũ cuốn trôi ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Hai nạn nhân bị nước cuốn mất tích là H.M và Q.Tr, đều là du khách đến từ TP HCM.
Làm rõ trách nhiệm đơn vị tổ chức tour
Ông Phạm Phú Ty, Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, cho biết khoảng 15 giờ ngày 29-11, có 4 du khách từ TP HCM tham gia tour khám phá Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà trên đường về băng qua sông Đa Nhim thuộc xã Đa Chais thì bị nước lũ cuốn trôi, Hai người may mắn bám vào cây rừng được lực lượng cứu nạn giải cứu, 2 người khác hiện vẫn mất tích. Sau hơn 1 ngày huy động hàng trăm người tìm kiếm nhưng mới tìm thấy túi xách, balô và điện thoại của 2 nạn nhân. Hiện lực lượng chức năng tiếp tục khoanh vùng tìm kiếm.
Ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra tính pháp lý và trách nhiệm các bên đã tổ chức tour du lịch để xảy ra sự cố nghiêm trọng này”.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở núi vùi lấp nhiều nhà dân. Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, cho biết nước ở khu vực hồ thủy lợi Krông Pách Thượng (đang xây dựng ở xã Cư San) đang dâng lên. Lực lượng chức năng tổ chức di dời khoảng 100 hộ dân ở khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan nên chưa chịu di dời. Đến cuối giờ chiều, lực lượng chức năng mới chỉ di dời được 29 hộ dân.
Tối 30-11, trung tá Phan Ngọc Siêng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông số 2 Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, thông tin khoảng 17 giờ cùng ngày, tại Km54, Quốc lộ 26 (đoạn qua xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) đã xảy ra vụ sạt lở đất đá ước tính khoảng 1.000 m3 từ quả đồi đổ xuống, vùi lấp một đoạn quốc lộ này. Lực lượng CSGT đã tổ chức chốt chặn, điều tiết và hướng dẫn các xe quay đầu đi tuyến khác.
Trong khi đó, chiều cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân vẫn đang nỗ lực ứng phó và khắc phục vụ sạt lở núi trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Tại thôn 2, xã Hòa Phong, một đoạn khoảng 400 m của núi Chư Quanh đã sạt lở xuống khu vực bên dưới, vùi lấp và làm sập 4 căn nhà. Ông Võ Phạm Văn Khánh (thôn 2) cho biết do mưa lớn kéo dài từ chiều 29-11, núi Chư Quanh đã xuất hiện các điểm sạt lở nhẹ. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân sơ tán người và tài sản. Đến 19 giờ cùng ngày, hàng ngàn khối đất đá trên núi đã đổ xuống làm sập hoàn toàn căn nhà của gia đình ông Khánh.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết huyện chỉ đạo di dời khẩn cấp nhiều hộ dân tại các thôn 4 và 8 (xã Hòa Lễ), thôn 2 (xã Hòa Phong). Hàng chục hộ dân được di dời đến các hội trường thôn, trường học, trụ sở UBND xã. Ngoài điểm sạt lở ở núi Chư Quanh, trên địa bàn huyện còn 2 điểm sạt lở núi khác khiến nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa – cho biết huyện đã cử đội cứu hộ tìm cách tiếp cận đoàn 36 du khách từ TP HCM và 9 người dân địa phương đi leo núi Tà Giang ở xã Thành Sơn của huyện này đang mất liên lạc. Tuy nhiên, đội cứu hộ đã phải dừng lại cách khu vực du khách bị mất liên lạc khoảng 1 giờ rưỡi đi bộ vì gặp suối lớn, nước chảy xiết. Vì vậy, huyện đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ.
Thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả lũ
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, đến chiều 30-11, lực lượng chức năng vẫn chưa khắc phục 400 m3 đất đá bị sạt lở trên tuyến đường từ Phú Yên đi Gia Lai đoạn qua xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Trong khi đó, thủy điện Sông Hinh đã nâng mức xả lũ từ 1.500 m3/giây vào sáng cùng ngày lên 1.754 m3/giây.
Ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết do nguồn nước từ thủy điện Krông Năng trên thượng nguồn sông Ba đang xả lũ với lưu lượng khoảng 500 m3/giây nên chiều cùng ngày, thủy điện Sông Ba Hạ đã nâng mức xả nước từ 254 m3/giây lên 1.500 m3/giây. Riêng 2 hồ thủy lợi có dung tích lớn ở Phú Yên là Đồng Tròn (huyện Tuy An, có dung tích 19,5 triệu m3) và Phú Xuân (huyện Đồng Xuân, có dung tích gần 11 triệu m3) hiện đều đã tích đạt 100% dung tích hồ chứa. Nước nguồn tiếp tục về nhiều nên 2 hồ thủy lợi này đã xả lũ. Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết hiện hồ Đồng Tròn đang xả lũ 56 m3/giây, còn hồ Phú Xuân là 104 m3/giây. Nguồn nước từ 2 hồ thủy lợi này xả lũ cùng với nước trên sông Kỳ Lộ đang dâng cao đã làm ngập tuyến đường ĐT641 từ Tuy An đi Đồng Xuân, đoạn qua cầu Cây Cam.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đã phải sơ tán 484 hộ với 1.711 người dân ra khỏi nơi nguy hiểm đề phòng ngập nặng, sạt lở. Do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn các sông đổ về gây ngập lụt cho nhiều khu vực dọc các sông như: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh thuộc TP Nha Trang và một số vùng lân cận. Riêng một số khu vực ở xã Vĩnh Thạnh, nước ngập đến 1,5 m. Anh Nguyễn Minh Chế (ngụ thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh) cho biết hơn 5 năm ở đây, lần đầu tiên anh thấy nước lụt lên nhanh như vậy. “Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng chỉ chưa đầy 1 giờ nước đã lên khoảng 1 m, rất nhiều người dân không kịp dọn dẹp nhà cửa” – anh Chế nói.
Theo người dân, mưa lớn kết hợp với hồ Suối Dầu, Am Chúa xả lũ, trong khi hệ thống thoát nước kém là nguyên nhân gây ngập nặng. Trong đó có việc đường Phú Trung nâng cốt đường nhưng không làm cống thoát ra hướng sông Cái… đã khiến nước ứ đọng không thoát kịp. Tuy nhiên, Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa cho rằng xả lũ chỉ là nguyên nhân phụ, không đáng kể do hồ Suối Dầu (Cam Lâm) chỉ xả lũ khoảng 89 m3/giây, trong khi lưu lượng sông Cái là 1.900 m3/giây và mực nước sông Cái chỉ xấp xỉ báo động II. Còn việc hệ thống thoát nước kém, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với UBND TP Nha Trang nhưng lãnh đạo TP Nha Trang không phản hồi.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vạn Ninh, ngày 27-11, có 3 người dân đã đi rừng kẹp trái đác tại khu vực Thác Bay – Kèo Chò, xã Vạn Bình. Trên đường về lúc 9 giờ ngày 29-11, anh Trần Văn Quốc (ngụ thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú) bị lũ cuốn trôi mất tích và hiện vẫn chưa tìm thấy.
Quảng Nam tạm dừng tìm kiếm 17 người mất tích Ngày 30-11, tại tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng khiến một số khu vực tại huyện Đại Lộc, TP Hội An, TP Tam Kỳ bị ngập lụt. Mưa lớn cũng khiến tuyến đường Quốc lộ 40B đoạn qua địa phận huyện Bắc Trà My bị ngập nặng, chia cắt hoàn toàn huyện Nam Trà My. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, dự báo trong ngày 1-12, tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 70-120 mm, riêng các huyện Núi Thành, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn từ 150-250 mm. Mực nước trên sông Vu Gia ở Ái Nghĩa có thể ở mức trên báo động II khoảng 0,2 m; mực nước sông Thu Bồn ở Câu Lâu, Hội An có thể ở mức báo động II; nước trên sông Tam Kỳ lên nhanh, dự báo có thể ở mức trên báo động III. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng cứu hộ đã tạm dừng tìm kiếm 13 người mất tích trong vụ sạt lở hôm 28-10 ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và 4 người ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, ngày 1-12, ở các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm; riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên; nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Tr.Thường – V.Duẩn |