Sau bão số 9, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có 6 cây cầu treo dân sinh đã bị nước lũ cuốn trôi, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và đời sống của người dân. Trong đó, hai xã Đăk Nông và Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) có 2 cây cầu bị gãy.
Điều chỉnh Đề án xây dựng cầu treo dân sinh
Trước đây, người dân hai xã Đăk Nông và Đăk Ang có thể đi qua sông Pô Kô bằng cây cầu gỗ trong làng. Khi cây cầu bị nước lũ cuốn trôi, hàng chục ha cà phê, cao su, củ mì (sắn) của nhiều hộ gia đình không thể đưa đi tiêu thụ. Do đang là mùa cao điểm của việc thu hoạch nên nhiều diện tích cà phê của các hộ dân nơi đây đã chín rụng và hư hỏng nặng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, người dân trong làng đã cùng nhau bàn bạc và quyết định góp tiền để xây dựng một hệ thống cáp treo bắt ngang qua sông Pô Kô phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Ông Trần Khắc Chín (58 tuổi, làng Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) cho biết: “Vào mùa khô, người dân có thể dùng thân cây kết thành bè để vận chuyển lượng hàng hóa nhỏ qua sông. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước sông dâng cao không thể qua lại được. Vì vậy, tôi và những người trong làng đã góp tiền xây dựng hệ thống cáp treo. Bên cạnh đó, tôi đã chấp nhận phá đi một phần rừng cao su của gia đình mình, mở con đường nhỏ để người dân trong làng có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa và qua lại”.
Được biết, tại xã Đăk Nông có 3 điểm người dân tự làm cáp treo để đu qua sông. Hệ thống cáp treo này được người dân làm bằng cách kết những thanh gỗ với thép làm thành trục và kéo ngang một sợi dây cáp dài 60m qua 2 bên bờ sông, có đoạn dài nhất gần 200m. Để có thể đu qua, mỗi hộ tự mua thêm một cái móc với giá 350 nghìn đồng. Việc di chuyển qua sông bằng cáp treo tiềm ẩn rủi ro cao, tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn sử dụng nhằm tiết kiệm thời gian.
Chị Nguyễn Thị Loan (55 tuổi, xã Đăk Nông) cho biết: Hằng ngày, chị cùng con nhỏ phải đu dây qua sông để đến trường. Có lúc, hệ thống móc trục trặc, nhờ sự giúp đỡ của người dân mẹ con chị mới có thể an toàn sang bờ bên kia. Khi trời mưa lớn, các cháu phải nghỉ học do nước sông dâng cao không thể di chuyển được. Người dân nơi đây rất mong chính quyền quan tâm, xây một cây cầu chắc chắn để an tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Anh Nguyễn Văn Đại (32 tuổi, xã Đăk Ang) cũng chia sẻ, trong làng còn có con đường khác để đi qua khu vực có cầu bê tông. Tuy nhiên, đường đi phải băng qua rừng, rất gập ghềnh, trơn trượt và mất nhiều thời gian. Vì vậy, anh sử dụng hệ thống cáp treo vận chuyển hàng hóa và người qua sông được nhanh nhất.
Những chiếc cầu tại vùng núi chính là điều kiện cần thiết phục vụ việc đi lại, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Khi không có cầu, việc đi lại, đời sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Chủ tịch UBND xã Đăk Nông Xiêng Lăng Nguyện: Việc người dân đu dây qua sông tiềm ẩn nguy hiểm cao, đặc biệt là vào thời điểm mưa lớn. Do đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên sử dụng cáp treo để di chuyển.
Hiện, xã đã tham mưu UBND huyện và đang khảo sát địa điểm để xem xét phương án xây dựng cầu treo bằng sắt. Xã cũng kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để sớm thực hiện việc xây dựng cây cầu mới, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho nhân dân trên địa bàn.
Tin, ảnh: Khoa Chương