Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Rừng nguyên sinh bị rút ruột mỗi ngày

Tiếng máy cưa và tiếng cây rừng ngã đổ vẫn diễn ra công khai ngay ở những cánh rừng nguyên sinh lớn, nơi có nhiều trạm kiểm lâm chốt chặn.

Ngày 25-11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có kết quả xác minh vụ phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 178 thuộc địa bàn xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh với hiện trường là nhiều gốc cổ thụ có đường kính hơn 55 cm, dài hơn 50 m bị chặt hạ.

Phá rừng công khai

Xã Giang Ly là khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng – nơi có những cánh rừng nguyên sinh lớn. Đi vào chỉ vài trăm mét là nghe tiếng máy cưa và cây rừng ngã đổ do bị đốn hạ. Phát hiện có người đến, nhiều lâm tặc liền tháo chạy để lại lán trại có nhiều súc gỗ hộp chờ vận chuyển ra khỏi cửa rừng.

Chỉ tính riêng trên tuyến Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh có đến 4 trạm, chốt kiểm lâm thế nhưng việc phá rừng ở đây vẫn diễn ra công khai.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, qua kiểm tra khu vực khoảnh 5, tiểu khu 178 thuộc địa bàn xã Giang Ly là rừng nghèo tự nhiên, rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa quản lý. Khi nhận được phản ánh, ngành kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện nhiều cây lớn bị đốn hạ, chủ yếu là cây khô. Nhưng không xác định được đối tượng phá rừng.

Ngay từ đầu tháng 11 này, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng tỉnh Khánh Hòa tiến hành mật phục trong đêm bắt quả tang ôtô biển kiểm soát 79C-13218 tại khu vực xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) chở 45 khúc gỗ xẻ hộp trái phép. Cũng trên địa bàn này, vài tháng trước đây khi kiểm tra tại tiểu khu 192, 199, 200 (xã Liên Sang), lực lượng chức năng phát hiện 72 gốc cây bị chặt hạ và 60,485 m3 gỗ tròn các loại. Tại các tiểu khu 205, 207 (xã Khánh Phú) có 53 gốc cây bị chặt hạ và 29,622 m3 gỗ các loại.

“Vụ việc dù chưa lớn nhưng để rừng bị tàn phá như vậy, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm” – lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa nói.

Thống kê 9 tháng năm 2020, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 5 vụ phá rừng vi phạm pháp luật với tổng diện tích rừng thiệt hại 20,878 ha, trong đó huyện Cam Lâm xảy ra 2 vụ, 19,165 ha rừng bị thiệt hại.

Gỗ bị xẻ ngay trong rừng thuộc xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: Kỳ Nam

Cũng từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 308 vụ vi phạm hành chính về lâm nghiệp, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Qua xử lý, đã tịch thu 112,547 m3 gỗ tròn, 344,618 m3 gỗ xẻ hộp các loại; phương tiện tịch thu gồm: 3 ôtô, 2 máy kéo, máy tời, 16 xe máy, 12 cưa máy; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,35 tỉ đồng.

Việc giữ rừng ở Khánh Hòa cũng hết sức khó khăn khi các đối tượng lâm tặc rất manh động. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng nhiều lần bị tấn công trong những năm qua. Đơn cử như vụ 4 người của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân – Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Cam Tân (huyện Cam Lâm) khi phát hiện 11 khúc gỗ xẻ hộp giấu trong rẫy thì bị hơn 20 người tấn công cướp lại gỗ. Vụ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ninh Tây (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa – đơn vị chủ rừng) khi phát hiện một ôtô vào rừng trái phép để vận chuyển lâm sản thì bị nhóm người tấn công giải vây cho xe này, khiến 1 nhân viên bị đánh nhập viện. Vụ Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Dốc Mỏ (Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh) đã bị lâm tặc tấn công khi đang giữ tang vật vi phạm tại khoảnh 5, tiểu khu 16 (xã Vạn Bình)…

“Hiện toàn bộ rừng Khánh Hòa đa số nằm trong 3 ban quản lý và 2 công ty lâm nghiệp nhưng có đơn vị làm tốt, có đơn vị làm chưa tốt. Do đó, quan trọng nhất ở việc bảo vệ rừng là các chủ rừng phải có mô hình, phương án bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm với địa bàn rộng lớn chỉ có thể mở các đợt cao điểm hoặc có sự vụ thì tham gia trấn áp chứ không thể canh rừng thay cho chủ rừng được” – ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Khi kiểm lâm làm lơ

Trong vài năm qua, rừng pơ mu cổ thụ, quý hiếm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) liên tục bị tàn phá nghiêm trọng. Hiện trường vụ chặt hạ 19 cây pơ mu vào tháng 4-2020 nằm trọn trong khoảnh 4, tiểu khu 1219, thuộc loại rừng phòng hộ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Điều khó hiểu là phần lớn những vụ phá rừng quy mô lớn không phải do lực lượng bảo vệ rừng của công ty này hay Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông phát hiện mà nhờ các lực lượng khác như công an, Chi cục Kiểm lâm vùng IV.

Nhiều cổ thụ quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển trót lọt. Chỉ tính riêng tại tiểu khu này, từ năm 2018 đến nay đã ghi nhận 5 vụ khai thác gỗ trái phép khiến hàng trăm cây pơ mu bị cưa hạ. Một vụ phá rừng quy mô lớn với 147 lóng, hộp gỗ các loại (khoảng 80 m3) tại tiểu khu 1174 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) do Công an huyện Krông Bông phát hiện, bắt giữ vào tháng 6 vừa qua. Các đối tượng phá rừng quy mô lớn, dựng lán trại, đưa xe “độ, chế”, dùng cưa máy xẻ gỗ ầm ĩ suốt ngày đêm nhưng không hiểu sao lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm lại không hề hay biết?

Rừng pơ mu cổ thụ thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) liên tục bị tàn phá Ảnh: Cao Nguyên
Lâm tặc dùng xe tự chế vận chuyển gỗ lậu công khai ở Tây Nguyên. Ảnh: Cao Nguyên

Mới đây, ông Y Vân Na M’lô (SN 1975; ngụ xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) đã nhờ người làm đơn tố cáo cán bộ kiểm lâm làm ngơ, không bắt gỗ lậu… Vụ việc được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk lập đoàn xác minh. Từ giải trình của các cá nhân và tài liệu thu thập được, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận một số nội dung tố cáo là có căn cứ. Ngày 19-11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ban hành văn bản yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm do để xảy ra vi phạm trong khi thi hành công vụ.

Chỉ trong 10 tháng của năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện 324 vụ vi phạm lâm luật với khối lượng trên 1.100 m3 gỗ quy tròn, gần 44 ha rừng bị thiệt hại. Đến nay, đã có 309 vụ vi phạm bị xử lý, khởi tố vụ án 22 vụ, xử phạt gần 3 tỉ đồng. Lực lượng bảo vệ rừng tỉnh Kon Tum xác định có 45 điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Còn tại tỉnh Gia Lai, bất chấp sự ngăn chặn của các ngành chức năng, thời gian qua, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra khá phức tạp.

Hạ cây xẻ gỗ ngay trong rừng nguyên sinh tại Kon Tum.

H.Thanh