Số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh, thành phố miền Trung đã làm 123 phụ nữ tử vong. Nhiều phụ nữ mất việc làm và sinh kế sau bão lũ.
Vai trò của nữ giới trong gia đình, trong xã hội được nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, một vai trò nữa cũng rất quan trọng của chị em ít được nhắc đến, đó là những đóng góp trong việc chuẩn bị ứng phó, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng phụ nữ là đối tượng chịu nhiều rủi ro và tổn thương khi thiên tai xảy ra.
Tổn thương và rủi ro do thiên tai
Số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các thành viên nhóm giới và bảo vệ (Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ – UN Women, Quỹ Dân số Liên hợp quốc – UNFPA…), các đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh, thành phố miền Trung đã làm 123 phụ nữ tử vong.
Đó là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiên tai (phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, phụ nữ tàn tật, khuyết tật…).
Hầu hết, họ sống ở khu vực trũng thấp, nhà ở không đủ kiên cố, thiếu lương thực dự trữ, hoặc họ đánh giá thấp các cảnh báo về rủi ro nên chủ quan và không chuẩn bị đầy đủ cho việc ứng phó bão lũ. Khi bão lũ ập đến các vật dụng của gia đình đều bị cuốn trôi hoặc ngâm nước nhiều ngày, không còn sử dụng được.
Theo Trưởng phòng Phòng Quản lý thiên tai và đê điều (Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Quảng Bình) Lê Thanh Phong, trong 2 đợt lũ vừa qua (từ ngày 7-11/10 và từ ngày 16-22/10) tỉnh Quảng Bình có 6 phụ nữ tử vong, 85 phụ nữ bị thương.
Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo quyết liệt việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phòng tránh bão lũ nhưng mưa lớn khiến mực nước vượt mốc lịch sử, vượt quá sự chống chịu của cơ sở vật chất và con người.
“Nhà sập, gia đình chúng tôi phải ở nhờ nhà người thân. Ngày thường chồng tôi đi làm phụ hồ, tôi may vá tại nhà. Tiết kiệm lắm nhưng gia đình cũng chỉ đủ ăn và nuôi con học. Nay nhà cửa, đồ đạc bị cuốn trôi, chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền xây nhà, ổn định cuộc sống,” chị Đinh Thị Lệ ở xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, bộc bạch.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) Nguyễn Thị Thắm cho biết, khi gặp bão lũ, những nhà nằm trong khu vực thấp trũng thường phải sơ tán đến những địa điểm công cộng (nhà cộng đồng, trường học, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã hoặc ở nhờ nhà hàng xóm). Những địa điểm này thường không có chỗ ngủ riêng biệt cho người phụ nữ. Họ thường phải chia sẻ không gian quá chật chội với cả gia đình và người thân.
Bên cạnh đó, mưa lũ gây mất điện, không có đèn pin, điện thoại thì hết pin, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ độc thân, góa bụa, có cảm giác thiếu thoải mái, an toàn khi ở những nơi này. Họ cố gắng quay trở lại nhà ngay khi có thể.
Bên cạnh đó, nơi những người phụ nữ sơ tán đến không có nhà tắm và nhà vệ sinh đúng nghĩa hoặc không có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng biệt, mặt khác, những nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống trong tình hình lũ bão đối với người phụ nữ thiếu thốn (quần áo, băng vệ sinh, nước uống, lương thực, thực phẩm…).
Ngoài ra, nhiều phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú phải đối mặt với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, đồng thời không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và gặp những căng thẳng khác. Điều này làm tăng nguy cơ sảy thai đối với thai phụ và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của phụ nữ và trẻ em .
Nhiều phụ nữ mất việc làm
Theo Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) Trần Ngọc Khánh, huyện có 15 xã, thị trấn thì có 14 địa phương bị chìm trong biển nước, duy nhất xã Hải Ninh không bị ngập. Nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng, trong đó phụ nữ phải gánh chịu nhiều mất mát.
Ông Khánh khẳng định, trong cuộc sống và đặc biệt trong lũ bão, thiên tai, người phụ nữ đóng vai trò chính trong công việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Trong lũ lụt, phụ nữ chăm sóc trẻ em, người già. Sau lũ, chị em vất vả quét dọn bùn đất, lau chùi nhà cửa, quần áo, đồ bếp, phơi lúa…
Họ không chỉ làm cho gia đình mình, mà còn giúp cho cộng đồng. Điều này, làm mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của họ.
Lũ lụt gây ra những tác động tiêu cực hơn nữa đến thu nhập, sinh kế của những phụ nữ dễ bị tổn thương nhất – những người làm công việc phi chính thức và dựa vào tiền lương hàng ngày như nuôi trồng thủy sản.
Nhiều người trong số họ vốn đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều phụ nữ mất sinh kế chính do lũ lụt. Trồng rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm là thu nhập chính của phụ nữ trong những tháng này cho đến vụ lúa tiếp theo.
“Năm 2019, tôi và 6 thành viên khác trong xã thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phú Ninh chuyên kinh doanh về lương thực, thực phẩm và nuôi cá lồng trên sông. Đợt lũ vừa rồi đã cuốn trôi tất cả khiến chúng tôi mất trắng 2,5 tỷ đồng. Điều này làm cho cuộc sống của các thành viên nữ trong hợp tác xã của chúng tôi gặp nhiều cơ cực sau lũ bão.”
Chị Lê Thị Thu Lành, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phú Ninh ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, tâm sự.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) Phạm Minh Cảnh cho rằng trong 2 đợt lũ vừa qua, xã Duy Ninh mưa trắng trời, toàn xã bị ngập và cách duy nhất để di chuyển là dùng thuyền. Đợt ngập vừa qua khiến 6 thôn với 1913 hộ gồm 7870 khẩu đa phần làm nông nghiệp, đã trắng tay. Trong xã, nhiều gia đình khốn khó sau bão lũ, giờ chỉ nhận sự cứu trợ trước mắt của Chính phủ và các tổ chức, các nhà hảo tâm.
“Đối tượng chịu nhiều rủi ro và tổn thương lớn trong bão lũ vẫn là những người phụ nữ. Họ vừa phải chăm lo cho gia đình, vừa phải hỗ trợ cuộc sống và tham gia vào công tác phòng tránh bão lũ. Sau đợt lũ lịch sử, nhiều gia đình trong đó có nhiều phụ nữ, mất việc làm, sinh kế gặp khó khăn, có phụ nữ làm chủ nhiệm hợp tác cũng rơi vào cảnh khó khăn sau thiên tai,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) Phạm Minh Cảnh nhấn mạnh.