Cảnh báo từ 20 Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã – WC20: “Hành động ngay – Đầu tư bảo vệ thiên nhiên hoặc đối mặt với mất đa dạng sinh học và các đại dịch tiếp theo”.
Hội nghị diễn ra từ 21 – 22/11, được đánh giá là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Riyadh (Ả Rập Xê-út) đưa vấn đề bảo vệ sức khỏe và giải quyết tình trạng ngược đãi thiên nhiên vào chiến lược hành động lâu dài nhằm phục hồi nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
Từ mối quan hệ không bền vững…
Lần đầu tiên, nhóm 20 Tổ chức Bảo tồn hàng đầu thế giới đã ban hành một Tuyên bố chung gửi tới các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhằm kêu gọi khẩn cấp đầu tư bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.
Trong Tuyên bố chung WC20 cho rằng, Covid-19 chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Đã đến lúc chúng ta cần trân trọng và đầu tư vào gìn giữ thiên nhiên thông qua việc phát triển các gói kích thích phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường trong đó bao gồm giải pháp “Một Sức khỏe” nhằm giải quyết dài hạn vấn đề sức khỏe hành tinh, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đây là lý do tại sao WC20 kêu gọi các quốc gia G20 đầu tư nhiều hơn vào bảo vệ thiên nhiên để cải thiện sự mất cân bằng tự nhiên nghiêm trọng hiện nay. Nếu không, thế giới tự nhiên mà chúng ta đều đang dựa vào sẽ không thể bảo vệ cho hạnh phúc và an ninh lâu dài của các thế hệ con người ở hiện tại và trong tương lai, cũng như mọi sự sống trên Trái đất.
Dù chưa xác định được chắc chắn nguồn gốc của đại dịch hiện nay, các nhà khoa học đồng ý rằng tương tự như HIV, Ebola, SARS, cúm gia cầm và MERS, Covid-19 là bệnh lây truyền từ động vật sang con người và rất có thể là do sự tiếp xúc, tương tác giữa con người với ĐVHD ngày một gia tăng.
Tính tới 24/11, gần 1,4 triệu người đã thiệt mạng và hàng trăm triệu người trên toàn cầu chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Đây chính là hồi chuông cảnh báo rõ ràng và cấp thiết nhất về mối quan hệ không bền vững giữa con người và thiên nhiên hiện nay.
… đến thất thoát 48 – 153 tỷ USD
Tiêu thụ trái phép động vật hoang dã đã trở thành một mối lo lớn của thế giới đối với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng dường như không giảm mà có xu hướng gia tăng.
Theo Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang dã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, người và vũ khí. Ước tính hàng năm, thế giới thất thoát 48 – 153 tỷ USD do nạn buôn bán các sản phẩm hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).
Ở nhiều nơi thuộc châu Phi, nhu cầu chính về động vật hoang dã bất hợp pháp xuất phát từ việc tiêu thụ thịt rừng. Động vật hoang dã được ưa thích như là một nguồn protein và những loài linh trưởng, nhất là khỉ được coi là một món ăn ngon. Người ta tin rằng, có tới 40.000 con khỉ bị giết và cuối cùng tiêu thụ mỗi năm ở châu Phi thông qua việc buôn lậu. Nhiều loài linh trưởng bị giết bởi những thợ săn rừng địa phương, những người cung cấp cho các thị trường chợ đen trên khắp châu Phi, châu Âu và Hoa Kỳ.
Hệ quả tất yếu là không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn làm thế giới mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng và suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá kèm theo các hệ lụy về mặt xã hội như: gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật…
Gấp rút đầu tư cho tương lai
WC20 cho biết, bảo vệ đa dạng sinh học có lẽ là một hành động quan trọng nhất trong chiến lược phục hồi nền kinh tế của các quốc gia nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đại dịch tương tự trong tương lai và tránh các tác động rủi ro tương tự tới sức khỏe con người, các nền kinh tế và môi trường.
Chi phí đầu tư bảo vệ thiên nhiên chỉ bằng một phần nhỏ đối với thiệt hại kinh tế ước tính 26 nghìn tỷ USD mà Covid-19 đã gây ra. Theo một ước tính gần đây, nếu đầu tư 700 tỷ USD mỗi năm sẽ giúp phục hồi được đa dạng sinh học trên thế giới, chỉ bằng 1/40 tổn thất kinh tế do đại dịch Covid-19 đem lại. Phần lớn số tiền đầu tư bảo vệ thiên nhiên không cần phải từ nguồn đầu tư mới. Một phần đáng kể có thể lấy từ chính các loại hình đầu tư phát triển kinh tế làm tổn hại đến thiên nhiên, môi trường.
Đầu tư bảo vệ sức khỏe hành tinh bao gồm việc sử dụng các nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu cho các giải pháp kinh tế thân thiện với thiên nhiên, thúc đẩy tăng trưởng xanh, công việc xanh, giúp chúng ta song hành giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu và đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trước các tổn thất nặng nề về người và kinh kế toàn cầu, hơn lúc nào hết, Chính phủ các nước đang có được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân để hành động, bảo vệ và tái thiết mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên.
Nhóm 20 tổ chức hội nghị WC20
African Parks, African Wildlife Foundation, BirdLife International, Born Free Foundation, Conservation International, Education for Nature -Vietnam, Global Initiative to End Wildlife Crime, Environmental Investigation Agency, Fauna & Flora International, Frankfurt Zoological Society, Freeland, Jane Goodall Institute, Paradise Foundation International, Space for Giants, The Nature Conservancy, TRAFFIC, WildAid, Wildlife Conservation Society, WWF, ZSL (Zoological Society of London) |