Tại Kỳ họp thứ mười của Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh gỗ lớn trong 5 năm. Đề xuất của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri và nhân dân.
Ai cũng thấy, hậu quả khốc liệt của thiên tai trong thời gian qua là do biến đổi khí hậu, với nguyên nhân sâu xa trên phạm vi toàn cầu là diện tích rừng bị thu hẹp, hoạt động tác động tiêu cực tới môi trường ngày càng nhiều. Cũng rất nhiều người hiểu rõ lợi ích và sự cần kíp phải trồng thật nhiều cây xanh. Nhưng chưa bắt tay vào việc, một số người đã vội nhụt chí, bàn lùi vì sợ nước ta không trồng được 1 tỷ cây trong 5 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về lâm nghiệp khẳng định, trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm không phải là quá lớn, quá khó.
Nếu ai đã từng đi qua tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình hẳn đã thấy hai hàng cây keo xanh mướt ven đường trên địa phận tỉnh Hà Nam. Rặng cây khiến khung cảnh đẹp như tranh, người đi đường cảm thấy rất dễ chịu. Trên tuyến Quốc lộ 6, địa bàn tỉnh Điện Biên có hàng cây ban do các nhà trường phổ thông, các đơn vị, cơ quan trồng và chịu trách nhiệm chăm sóc. Ở tuyến Quốc lộ 32, đoạn qua Hưng Hóa, Tam Nông, Viện Môi trường và Năng lượng tái tạo (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát động phong trào trồng “Đường cây Bác Hồ”… Cả nước ta có gần 600.000km đường giao thông và phần lớn trong số đó có thể trồng cây ở hai bên đường. Nên chăng, nhà nước cần có sự ràng buộc trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường theo hình thức BOT phải trồng cây xanh trên toàn tuyến để hấp thụ khí thải từ xe cộ lưu thông. Những cung đường khác sẽ huy động các cơ quan, đoàn thể, trường học tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây hai bên đường và dọc các bờ kênh mương lớn.
Cả nước ta có hơn 300 khu công nghiệp trên tổng diện tích hơn 90.000ha. Đây là những nơi phát thải rất nhiều khí CO2. Nếu quy định các doanh nghiệp phải trồng cây xanh xung quanh và trong khuôn viên, ban quản lý khu công nghiệp phải trồng cây dọc các con đường nội khu và bao quanh khu công nghiệp, thì tác động tiêu cực tới môi trường sẽ giảm đáng kể…
Bên cạnh việc trồng cây ở những nơi phát thải nhiều CO2, cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Chẳng hạn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai dự án trồng rừng ngập mặn ở nhiều địa phương. Chỉ riêng dự án này đã trồng được 9.000ha rừng ngập mặn, tạo thành hệ sinh thái ven biển; 103ha tre bảo vệ đê sông; 398ha phi lao bảo vệ ven biển… 9.000ha rừng ngập mặn từ dự án này không chỉ giúp giữ đất, ngăn mặn, ngăn sóng biển, bảo vệ môi trường, mà còn mang lại sinh kế cho hàng triệu người dân ven biển, bởi rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài thủy sản. Nếu Chính phủ quyết tâm thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án như vậy được triển khai.
Tất nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh cần gắn trách nhiệm cụ thể tới từng địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trường học…, đặc biệt là trách nhiệm của những người đứng đầu từ cấp cơ sở trở lên để tránh trồng cây theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, trồng xong mà không chăm sóc, bảo vệ cây phát triển.